Chị bảo Khanh rằng ”nếu có một cuộc thi viết thư, em sẽ là người viết thư giỏi nhất”, vì lúc đấy hai chị em đang cà kê chuyện gì đó thì cô lại bảo: ”em phải viết cho xong một cái thư đã”.
Khanh quả là đã viết rất nhiều thư. Những ngày ở dự án cũ, một trong những công việc chính của cô là viết thư, lưu thư và tìm thư. Cô thấy mình như con cá trong cái biển giấy tờ vô biên đó. Cái biển giấy tờ luôn luôn bị xáo trộn và phình to lên rất nhanh sau mỗi ngày làm việc, sau mỗi khoảnh đất được thu hồi hay mỗi đốt cầu được thi công. Có những buổi chiều muộn cô đi lại một mình trong cái phòng đầy những giá sách đó, sắp xếp, và có thể nhận ra cái gì mất đi, thậm chí ai đã lấy nó. Thi thoảng, lúc tìm thư cũ, nếu không vội, cô cũng lật giở đọc lại vài trang vô tình lướt qua, biết được ai đã viết nó, chỉ vậy thôi, rồi gấp lại. Cô lang thang mê mải giữa những con chữ đượm màu vôi vữa, bê tông, cốt thép ấy chừng hơn hai năm. Thời gian không hẳn là dài, nhưng tình cảm thì đủ lớn, để đến lúc cô rời đi, một năm, hai năm, cho đến ngày dự án kết thúc vẫn có người gọi hỏi cô có còn nhớ cái gì cái gì nằm ở đâu không? Và cô nhớ, văn bản nào nằm ở cuốn nào, cuốn nào nằm ở tầng nào, tủ nào, nó nặng tới mức nào. Vì hồi đó cô gầy lắm, cổ tay bé xíu, đến độ một chị bạn bảo: tay em còn không bằng tay cái Bi nhà chị, mà cái Bi thì hồi đó đâu chừng 6 tuổi. Nên có hôm cố đỡ một tệp thư xuống, mà cô bị sái cổ tay. Vì bị sái cổ tay mà cô đứng đấy mãi, lật chồng thư cũ ra đọc, loáng thoáng ngoài kia là tiếng chuông điện thoại rộn ràng, tiếng giày lộp cộp, người nhanh kẻ chậm, tiếng rơi của mũ bảo hiểm, cả tiếng cười rộng lượng, cả tiếng quát cáu bẳn xen lẫn. Còn cô cứ dựa trán vào thành giá sách, và đọc thư, và cái giá sách tưởng như là con tàu, đã kéo cô ra khỏi những xôn xao ngoài kia, đi xa xa tít ngoài khơi của biển trời lặng lặng của chính cô.
Chị cũng hỏi Khanh rằng ”Sao em yêu nơi này đến vậy?”. Nơi cô chỉ ở đó chừng hai năm, sáng sáng theo xe ra công trường, chiều chiều theo xe về thành phố. Gió biển mùa đông mát lạnh, mùa hè róng riết như chỉ muốn nhuộm nâu tất cả. Có những sáng chủ nhật thôi trở về Hà Nội, cô kéo rèm nhìn sang bể bơi bên kia đường, nước xanh ngắt, trời xanh ngắt và phượng cháy đỏ tươi, ngày đó cô chưa có máy ảnh và cũng chưa thích chụp ảnh, chỉ biết tì cằm vào khung cửa, nhìn như sợ mưa rơi, gió thổi, tất cả sẽ bị nhòa đi, rèm cũng sẽ bay tứ tung và cô sẽ phải chạy đi thu hết quần áo từ hiên vào trong phòng... Sao cô yêu nơi này đến vậy? Nói là vậy vì từ khi xa là nhớ, từ khi xa là luôn nghĩ mình sẽ quay lại. Dẫu quay lại thì cầu kia đã bắc, muốn sang bờ thì phải đi dằng dặc một dải đường quanh co lên xuống, chứ không phải đứng ở thành phà mà hứng gió vào chiều và hứng nắng vào sáng, dẫu không có những chiều tối đi dọc bờ biển và thử hết kiểu nhẫn này đến kiểu nhẫn khác trong những gian hàng đêm mở sớm, dẫu không còn có người bình thản bảo rằng: Khanh gấu thật đấy, khi cô bày trò này nọ. Dẫu không còn rất nhiều thứ, thậm chí là không còn gì cả, nhưng Khanh vẫn muốn trở lại... Chỉ để thong thả đi bộ dọc theo con đường ra bến phà.
Viet thu la ca mot nghe thuat dieu luyen ban nhi?Nhat la voi nhung nguoi song Huong Noi.
Trả lờiXóa