Thương chim quyên nức nở, thương
con cá rô trên đồng…
Cũng chẳng phải tự nhiên mà mình
nhớ trời ướt mưa, 3 chị em phóng trên 3 chiếc xe ôm, rong ruổi giữa đất Cà Màu
đi thăm vườn chim trong khi thiên hạ đang tránh xa những thứ gọi là gia cầm vì
sợ cúm H5N1 đâu.
Kỷ niệm thì nhiều, nhưng đôi khi
cũng cần có ai hay cái gì đó “lúc lắc”J. Mình nhớ, hồi bé, đọc “Đất rừng Phương
Nam”. Lúc đó, cũng chẳng biết đâu là Miền Tây, đâu là Miền Đông, và đâu không
phải là Miền Tây hay Miền Đông, chỉ thấy thích vậy thôi, trong mường tượng của
mình bao giờ cũng là một vùng đất bao la, có tràm, có trăn, có những con người
râu ria xồm xoàm dũng cảm, có những thứ ở thành phố hay nông thôn quanh mình
không có. Đến khi quanh mình không chỉ là “bé lên ba” hay “be bé bồng bông”…
thì lại sinh ra thêm “cái tính” thích nghe cải lương và những thứ gần gần như thếJ.
Từ ngày ấy, cứ nghĩ, lớn lên, mình sẽ đi vào vùng đất phương nam đó, vì chắc là
thích lắmJ.
Nghĩ vậy thôi, mà thỉnh thoảng
nhớ ra cũng tự bảo là mình sẽ thực hiện ý thích ấy đấy, nhưng lại cứ quên mất.
Đến mức, khi vào Sài Gòn, làm cho Dự Án Đồng Bằng Sông Cửu Long, dự án có tổ
chức 1 chuyến đi khảo sát dọc bờ sông Hậu, nhưng mình cũng có tham gia đâu. Mà
lý do đơn giản chỉ là hôm đó mình thấy mền mệt. Nói vậy là dù cái ý thích của
mình có từ lâu lắm và cũng bền bỉ lắm nhưng cũng không mạnh bằng cái mền mệt
của mìnhL. Cho đến hôm trời mưa, mấy chị em chui vào rạp xem “Mùa Len Trâu”.
Xem xong phim, thấy buồn thế. Lại nhớ ra mong muốn đi Miền Tây của mình. Và
cuối năm đó, ba đứa dắt nhau xuống Cà Mau trên một chuyến xe đò đặc sệt Nam Bộ.
Hôm đó, Sài Gòn không nóng lắm,
còn hơi lành lạnh nữa. Chuyến xe chật ních người. 3 đứa ngồi sát vào nhau, đầu
óc bung biêng vì lái xe miền Tây phóng như điên. Mình cứ nhắm tịt mắt lại, cố
ngủ, không thì say mất, loáng thoáng bên tai là tiếng Nam Bộ, kể có lần ra Bắc,
rét ơi là rét, rét không thể tưởng tượng nổi. Nghe giọng của bác đó, mà mình
cũng thấy rét lâyJ. Chắc mình cũng ngủ được một lúc. Rồi tự nhiên thức giấc,
ngó quanh thấy mọi người ai cũng ngủ, gà gật. Xe cứ lao, chỉ có bác tài là
thức, và rõ rành trong đêm là giọng của Minh Phụng đang ca trong đoạn Nàng Châu
Long - Lưu Bình Dương Lễ. Thế là mình cứ nhắm mắt mà không hề ngủ tý nào cho
đến tận Cà Mau.
3 đứa lọ mọ xách ba lô bước vào 1
khách sạn trông cũng “được” ở 1 đường phố có vẻ cũng trung tâm. Vào đến tận
nơi, trời vẫn còn tối, mà chẳng thấy ai hỏi han gì, còn tự bảo nhau, nếu mình
chui đại vào 1 phòng nào đó để ngủ chắc cũng chẳng ai biết đâuJ. Mà chắc là thế
thật.
Hai ngày sau đó, 3 đứa rong ruổi
trên xe ôm. Trời lại mưa xì xụp. Mình chạy qua cả một dọc kênh dài, đúng y như
tưởng tượng của mình. Chỉ có nước và nước, những dải lục bình lớn trôi dềnh
dềnh trên kênh, thi thoảng giữa vùng nước mênh mông là một mái nhà hay cụm dừa
nước đang loay hoay với gió.
Kể cũng lạ cho 3 đứa. Cả mấy
tháng trời bận bịu với công việc, với nhịp sống không thể gọi là chậm của Sài
Gòn, được mấy ngày nghỉ cuối năm lại lang thang giữa trời mưa xì xụp của Cà
Mau. Mình nhớ, có lúc trời mưa to quá, cả hội tạt vào một mái nhà gỗ xộc xệch.
Mình chỉ đứng ngoài hiên, ngó quanh, thấy cái vùng này sao mà nghèo quá. Đến
lúc ngó vào nhà, nhà tối om. Thấy 3 anh xe ôm đang nói chuyện rôm rả với bà già
trong nhà. Tưởng là quen thân đã lâu, hóa ra cũng như mìnhJ Chắc người
Miền Tây là vậy. Nhìn lúc nữa thì thấy có cái võng đung đưa giữa nhà, trên võng
là một cụ ông nằm lim dim không nói năng gì. Chắc là chồng của bà già đây. Trời
cứ mưa mãi, và câu chuyện cứ dài thêm ra. Giọng bà già tỉnh queo, ổng già rồi,
đi làm mướn quanh năm, nhà ổng ở bên kia kìa, ngày kiếm được vài ngàn, ổng mua
rượu uống hết, rồi đi xiên xẹo trên đường, 2 tháng trước ổng bị đụng xe, nhà
không có ai, nên tui đưa ổng về đây nuôi, thỉnh thoảng cái thằng đụng xe cũng
có ghé qua, đưa cho ít tiền. Nghe mà hay… Rồi trời cũng hết mưa, mấy đứa chào
bà già ra về, bảo tụi con cám ơn bà. Giọng bà má già hiền khô, có gì đâu con,
trời mưa, các con đi qua nhà bà thì vào trú, hôm nào bà đi qua nhà con mà trời
mưa, bà lại vào trúJ. Xe chạy, mình ngoái đầu nhìn lại, thấy bà má già đang
đứng tựa cửa, mấy sợi tóc lòa xòa, đang nheo mắt nhìn theo, và bốc chưa kìa
đang thảnh thơi thả khói thuốc rê lên trời…
Hôm sau, ba đứa lang thang hết
chỗ này đến chỗ kia. Rừng tràm mênh mông bát ngát. Đấy là còn bảo do đợt trước
cháy rừng đấy, không thì còn mênh mông bát ngát hơn. Có lúc lạc đường, 3 đứa cứ
loay hoay quanh mấy luống cải. Thấy có chị nhìn mấy đứa lạ lùng rồi cười bảo
tụi em có biết đường không, hay để chị dẫn đi, chị chỉ lấy ít tiền thôi. Thấy
chị sao mà chất phác quá đỗi. Chạy xe vào chợ, đưa mắt tìm chợ đâu, thì nghe
xôn xao xôn xao. Ở dưới kênh, là những ghe chở đầy chuối và dừa, tiếng mua mua
bán bán, có cái ghe máy chạy tới chạy lui, trên ghe toàn mấy đứa trẻ đánh trần,
đen nhẻm, nhưng mặt sáng trưng đang thi nhau hò hét. Có ghe chở đám học trò nữ
đi học về, mà học trò nữ trong này không mặc áo dài trắng và quần trắng như
ngoài bắc, lại vận áo dài trắng quần đen, đi dép quai hậu thấp, kiểu ôm cặp
cũng có gì khác thì phảiJ. 3 đứa loanh quanh trong khu gọi là chợ đó một lúc,
còn dừng lại mua mỗi đứa 1 quả chuối nướng ăn thử xem sao…
Lại nói về chuyện ăn. Mình chẳng
thích khẩu vị Miền Tây lắm. Như lẩu chẳng hạn, cứ có vị ngòn ngọt. Nhưng vẫn
thấy thú. Nhúng đủ thứ hoa vào trong nồi lẩu, đến giờ mình cũng chưa biết hết
tên mấy loại hoa đó. Nhưng chắc chỉ có Miền Tây mới có món lẩu đầy hoa như vậy.
Mà mình cũng dở hơi thật. Chỉ vì thích cái bài “Còn thương rau đắng…”, mà vào
đấy cứ phải tìm cho bằng được rau đắng để ăn. Mà ăn có thấy ngon đâu, đắng đau
hết cả đầu nhưng vẫn thấy thích, thích vì cuối cùng mình đã được ăn rau đắngJ.
Còn bài hát kia thì thích đến nỗi giờ vẫn bật nghe suốtJ.
Thực ra, chuyến đi đó là một
chuyến đi nhớ đời. Về đến Sài Gòn, 3 đứa mới hoàn hồn, bảo lần sau không bao
giờ đặt chân lên mấy cái xe đó nữa. Đang đêm mà xe cứ phóng như điên. Nhưng mọi
người ai cũng bảo xe Miền Tây xe nào chẳng chạy như vậy. Mình nhớ lúc về mình
say bết, mắt nhắm nghiền ngồi cạnh một cậu bé, rồi ngủ quên mất, tự nhiên thấy
cái gì cựa vào mũi mình, rồi có mùi dầu gió ấm nồng dễ chịu; mở mắt ra thấy cậu
bé ở đâu mất. Ngồi cạnh mình là một bác già, bác dí lọ dầu gió vào mũi mình bảo
hít vào đi con, cho đỡ say, chứ bác thấy con thở khò khè, trông khổ lắm…Rồi bác
kể, bác lên xe đoạn Vĩnh Long, từ lúc 2h sáng, ở đây hiếm xe lắm, bác đưa bác
trai lên Sài Gòn khám, ổng cứ kêu nhức chân hoài. Thì lúc đó mình cũng
không nghĩ gì, chứ sau này có đứa bạn bảo sao mày dại thế, nhỡ thuốc mê thì
sao. Ừ nhỉ, nhỡ thuốc mê thì sao? Nhưng không phải thuốc mê nhỉ, mà là dầu gió.
Cũng chuyện dại khôn như thế. Và cũng ở Miền Tây. Đấy là tối hôm mình xuống Cần
Thơ dự hội thảo, đang ngồi xì xụp bát bún mắm một mình thì chị bán hàng bảo, em
ở Bắc vào hả, có muốn đi dạo Cần Thơ không, chị chạy qua nhà bây giờ, chị chở
em đi. Ừ thì đi, chị chở mình đi loanh quanh khắp Cần Thơ, chạy xuống bến Ninh
Kiều, bảo ngày xưa nhộn nhịp lắm, rồi giới thiệu đủ thứ khác. Lúc về đến khách
sạn, trả tiền xe ôm không chịu lấy, chỉ lấy đúng 5.000đồng, bảo là tiền xăng.
Mình nói mãi không được. Sau này, lại cũng có người bảo mình dại, bảo mình liều
thế. Một thân một mình giữa vùng đất lạ, để người ta chở đi lung tung nhỡ chở
tuốt đi đâu thì sao? Lúc đó, thì mình cũng nghĩ ừ nhỉ? Nhưng mà người ta có chở
mình đi đâu đâu…
Những chuyện đó và nhiều chuyện
miền tây khác nữa cũng khá lâu rồi. Nhưng tự nhiên hôm nay mình lại nhớ. Thấy
vui vui, thấy ấm áp. May mà mình đã đi đến đó. Nếu không, miền Tây trong mình
chỉ là trăn là tràm, là nước nổi mênh mông. Con người thì cũng chỉ là những
chàng trai râu ria xồm xoàm giết rắn hổ mang, ăn cá trui nướng. Chứ thực ra
miền tây còn hơn thế nhiều. Nên mình mới nói là cám ơn miền tây. Mà cũng cám ơn
người mà hôm nay đã “lúc lắc” những kỷ niệm đó trong mình. Vậy mình mới bảo kỷ
niệm đẹp thì nhiều nhưng đôi khi cũng cần có ai đó “lúc lắc”…
Đã xong! Giờ thì nghe Chuyện lạ của BK tạm đi, khi nào nhớ ra bài gì thì ới! :D
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa