Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Cái trâm giờ ở đâu

Gió cuốn mây có trôi…

Tấm hình chụp một cô gái Trung Quốc, đóng phim cổ trang, xinh lắm dì ạ. Trong phim cổ trang thì con gái thường đính lên đầu bao nhiêu thứ, và cài một cái trâm. Cái trâm cô ấy cài dài lắm, lại có bao nhiêu cườm. Không giống như cái trâm của dì cháu mình, ngắn hơn một gang tay, màu nâu, bằng mã não. Ngày đấy, bố đi công tác về, mua cho cháu 1 cái vòng tay mã não bé xíu, vừa cổ tay cháu như in, và cái trâm này. Dì rất thích cái trâm, thế là cháu bảo: cháu cho dì đấy. Tóc cháu ngắn chớm vai, cháu buộc túm lại rồi găm cái đuôi gà ấy chổng ngược lên bằng cái trâm. Tóc dì thì dài, búi lại một búi to, rồi găm cái trâm vào, trông đúng là dì, không phải cháu…

Dì đi thanh niên xung phong về, lấy chồng muộn, lại không có con. Thỉnh thoảng dì lại xuống nhà cháu, thường là hè, rồi đưa cháu về quê luôn. Sau này cháu lớn, tự về quê được, thì dì lại ra đón ở đầu đường. Mỗi lần dì xuống, hai dì cháu lại nói cười luyên thuyên. Có lúc, mẹ quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…

Về quê, đầy cây cao và núi cao. Ở trên xe, mọi người cứ tưởng cháu là con dì. Ngày ở quê của cháu trong lành. Sáng ra thơ thẩn đi bộ từ nhà bà sang nhà dì, lúc nhìn thấy con sóc bé như con chuột trong bụi tre, có khi tìm ra chùm hoa dẻ vàng xuộm ở trên đầu. Làm thịt một con gà, dì bảo: cháu thích rang hay luộc. Cháu bảo: cháu thích rang dì ạ. Dì bảo: ừ thì dì rang nhé, để lại một miếng to này, cho cháu nướng trên than củi. Dì đi làm đồng, thỉnh thoảng lại đưa về cho cháu vài quả dại gì đó, cháu chỉ nhớ mỗi quả thù lù, ăn vào ngọt lừ, ăn quả dại mà không sợ chết như bây giờ. Có hôm dì và dượng (trong quê mình gọi chồng dì như thế) dẫn bọn cháu đi bẻ ngô. Cánh đồng ngô đỏ rực, không có một tẹo màu xanh nào, lá khô, cây khô. Mấy đứa em họ leo lên cái xe bò, mặt đứa nào cũng đỏ ửng, tóc bết mồ hôi, sáng bừng…

Rồi cháu lớn hơn, rồi cháu đi đại học. Lúc dì xuống thì không có cháu, lúc cháu về thì không gặp dì. Mẹ chẳng có mấy lúc mà quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…

Đợt cháu sắp tốt nghiệp, gọi điện về, mẹ bảo: dì ốm nặng, đang ở nhà mình. Cháu chỉ hay nghĩ ông ốm nặng, bà ốm nặng, cháu không nghĩ đến việc dì ốm nặng, dì bao giờ cũng cười với cháu. Cháu không nghĩ đến việc dì không đi lại được, không kéo được gàu nước sâu cả mười mấy m ở giếng nước nhà bà lên, không nghĩ đến việc dì nằm đấy và chỉ giơ tay ra hiệu…

Rồi cháu cũng được gặp dì. Mừng hay là không mừng. Cả nhà chuyển dì ra Hà Nội. Tóc dì đổ dài, dường như bao nhiêu thuốc đi vào tóc hết. Dì vẫn nói, vẫn cười, dì bảo: dì đi lâu quá, không biết đến lúc nào thì được về nhà. Được vài hôm, mọi người lại chuyển dì sang một phòng riêng, chỉ có mình dì, không còn bệnh nhân khác. Cháu ở ký túc xá, phòng những 8 người, nghĩ “sự riêng tư có lúc đáng sợ như vậy sao?”. Có hôm cháu vào, dì cứ bảo dượng lôi hết cái này cái khác ra bảo cháu ăn, cháu có còn bé nữa đâu. Dì bảo dì vừa nằm mơ, thấy mình đang ở nhà, khát nước, múc một bát nước giếng, uống ngọt ơi là ngọt. Rồi dì bảo, dì thương mẹ cháu, thương bố cháu, thương thằng C ở nhà còn chưa thi ĐH, thương cháu ở ngoài này. Rồi dì khóc cháu khóc. Cháu chẳng nói được gì cho ra hồn, nước mắt vòng quanh đạp xe về trường…

Hôm sau, cháu lại vào. Cháu nghĩ, cháu sẽ bảo với dì: “mọi việc rồi sẽ ổn, dì sẽ được về nhà, C sẽ ra đây học, cháu sẽ ra trường, sẽ đi làm, sẽ chẳng có chuyện gì hết…”. Nhưng cháu vẫn là cháu, chẳng bao giờ nói được gì cho ra hồn, tường trắng, đệm trắng, không vương lại chút gì của dì ở đó. Đã không có một giọt nước mắt nào rơi ra lúc đó, từ phòng của dì, đến phòng y tá trực, ra phòng bảo vệ gọi điện, và đạp xe về trường…Cuối cùng, dì cũng được về nhà…

Sau này, mẹ bảo: trước lúc đi, dì gọi tên đủ người. Mẹ đã thầm xin dì, cầm cái trâm đó lại. Dì thì sẽ đi, mà cái trâm đó là của cháu, là mẹ giữ lại, nhỡ mà làm sao… Vậy mà, cháu và mẹ tìm mãi, không thấy cái trâm đâu. Có thể, lúc đó, bối rối, mẹ vẫn lại đặt nó cạnh dì chăng? Thỉnh thoảng, dì lại trở về, trong câu chuyện của mẹ, trong bữa cơm tất niên, trong cả lời dì út. Đôi khi cháu mơ thấy dì, chỉ cười không nói gì, không giống như ngày xưa, hai dì cháu mình cười nói ríu rít, luyên thuyên. Cháu hỏi mẹ: vậy có điềm gì không? Mẹ bảo: chắc tại dì thương cháu, cháu thương dì, nên cứ hay nhìn thấy dì vậy thôi…

Người ta bảo, đi những con đường dài, rồi sẽ dũng cảm hơn. Vậy mà những nỗi sợ ngày lại càng rõ ràng trong cháu. Cháu không thích bệnh viện, sợ cú điện thoại lúc nửa đêm, giật mình khi thấy bố ngủ mà sao không nghe tiếng ngáy, bần thần lúc gọi điện về nhà mà không có ai trả lời, mẹ ở nhà một mình mà lại đi đâu… Cháu chỉ sợ những gì thương yêu nhất của mình sẽ vụt biến, mà cháu thì vẫn không nói được câu gì cho ra hồn…


Thứ Ba, 26 tháng 2, 2008

Bực mình nên Cám ơn Bún Móng Giò

Bực với mình nên gọi là bực mình, chứ chẳng bực ai cả.

Tự nhiên, ngồi buồn, nghĩ thế này, nếu mà cho mình một điều ước, cho những điều vớ vẩn của mình, thì mình ước gì nhỉ. Cho những điều vớ vẩn của mình ấy, chứ không phải cho những cái khác. Chứ không thì đến 1000 điều ước, mình ước cả ngày không hết, cho bố khỏe mẹ khỏe, cho em vui, em khỏe, rồi đầy thứ trên trời dưới bể chỉ toàn vui với khỏe ấy… Mà cũng chỉ 1 điều thôi, chứ chỉ cần hơn 1, mình lại ước ít nhất 1 điều là lung tung mất…

Vậy mà giờ đây, mình nghĩ mãi. Chẳng biết ước cái gì. Ước 1 công việc khác hay hơn? Cũng chẳng muốn. Nếu mình thích tìm, thì mình sẽ đi tìm, mà tìm rồi sẽ có, từ trước đến nay vẫn vậy mà. Vậy thì ước làm gì? Hay ước mình có thật nhiều tiền, thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, thích đánh rơi thì đánh rơi, đánh rơi mà chẳng thấy tiếc hùi hụi ấy (chứ tiếc thì phải tiếc chứ nhỉ). Có thích hơn bây giờ không? Nhưng mình như thế này, có phải vì tiền đâu. Vậy ước làm gì? Hay ước anh ấy xuất hiện? Có nên không? Tự nhiên, để anh ấy xuất hiện một cách lãng xẹt thế ư, nhờ 1 điều ước? Nhỡ ông bụt lại tặng mình một anh như ông ấy, thì mình lại cứ phải phấn đấu cho quảng đại bằng anh thì mệt chết đi được. Mà buồn cười nhỉ, thiên hạ cứ bảo hạnh phúc ở quanh ta, đừng tìm kiếm đâu xa. Ở quanh ta bây giờ, chỉ có sếp, sếp thì đang trông rất đăm chiêu, chắc đang nghĩ đến kế hoạch hành động, hay chiến lược thực thi gì đó, vậy làm sao là hạnh phúc của ta được.

Thế đấy, nên mới thấy bực mình. Trời thì chưa khô, nắng vàng thì chưa có, nhưng thời tiết đã ấm lên rất nhiều, thỏa lòng mong ước bao ngày qua. Vậy mà mình ngồi đây, ngớ ngẩn, chơi trò nếu-thì lăng nhăng này. Thôi thì, ước cho ngày ngớ ngẩn này qua mau, để mình lại hăm hở, háo hức, có thể buồn, có thể vui, nhưng không thích ngớ ngẩn như thế này.

Mà sao không rủ bạn T đi ăn bún móng giò ở chợ NSL nhỉ? Thật là thú vị. Mình sẽ cho thật nhiều ớt vào đồ chấm. Nhìn thì đẹp, mà ăn thì sướng. Nghĩ đến việc này, tự nhiên thấy hứng hắn lên. Chán cho mình, sao không nghĩ đến cái gì lãng mạn hơn nhỉ? Như hoa sữa chẳng hạn. Hoặc cái gì có ý nghĩa hơn? Như cuộc sống hữu hạn này. Nhưng thôi, chắc hôm khác sẽ nghĩ đến, chứ hôm nay phải cám ơn bún móng giò đã, vì gì thì chỉ có mình trong cái ngày dở hơi này mới hiểu được…

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2008

Hàng xóm hiệu @

Khoảng 4 tuổi, ăn mặc cực kỳ sành điệu. Trước lúc tắm hoặc đi chơi sẽ tự chọn quần áo. Áo vàng đi với quần vàng, bốt thì màu vàng đậm. Nếu mặc áo đen, sẽ chơi váy đỏ, chân đi hài nhung đen có đính kim cương giả óng ánh. Tuy nhiên, cũng có hôm xuềnh xoàng, vận áo hai dây, một dây bị rơi ra khỏi vai, tóc tai bù xù, mặt ngái ngủ sang kêu cửa nhà cô. Tình hình văn hóa xã hội cũng cập nhật liên tục, lúc đi xem phim, lúc đi xem xiếc, lúc đi thang máy trong siêu thị, điều khiển con chuột máy tính như chuyên gia, bấm điện thoại nhắn tin hàng loạt không cần biết đối tượng nhận là ai…

Cô ở nhà một mình, cháu đứng ngoài, không cần bấm chuông hay gõ cửa, chỉ cần kêu to: Cô ơi! Cô mở cửa, nhìn thấy cháu xinh quá, bảo: cháu có váy mới à? Cháu đi vào, bảo: ở nhà, cháu còn nhiều váy đẹp nữa. Rồi cô cháu mình đối thoại: Cô ơi, Chú C đâu? Chú C đi chơi với Cô L. Thế Cô L đâu? Cô L đi chơi với chú C. Cô L và Chú C đi chơi ở đâu, cô? Cô chú ấy đi xem phim. Xem phim ở đâu? Xem phim ở rạp DC. Rạp DC ở đâu? Rạp DC ở phố KT. Phố KT ở đâu? Phố KT có rạp DCJ. Đến lúc cô bắt đầu thấy mình đủ tư cách nhập viện tâm thần với kiểu no-ending discusssion này thì cháu bảo: cô mở trái tim cho cháu câu 1 cái. Thế là cô mở máy tính, trò Thần Ái Tình, cho cháu tung hoành vậy. Đang chơi, thỉnh thoảng cũng câu được quả tim to đùng, cháu quay ra bảo: cháu muốn ăn cơm. Vui thật, nhưng hôm nay, nhà cô không nấu cơm, nghĩ “sao cháu lại không ăn kẹo nhỉ? Mà cháu ăn cơm ở nhà rồi mà”. Cháu nhảy xuống ghế, đi vào bếp, cô theo sau, cháu mở tủ lạnh, nhìn vào một lúc rồi ngẩng lên bảo: Thôi, cháu ăn quả trứng cũng được. Cô bảo: nhưng đấy là quả trứng sống. Cháu bảo: Thì cô luộc cho cháu. Ok, chơi luôn nhỉ. Vậy cô cháu mình nổi lửa. Vặn bếp to cho nó hoành trángJ.

Thỉnh thoảng, cháu có ngồi vào mâm cơm cho vui, thực ra là chẳng ăn quái gì. Hôm đó, cả nhà đang vui, trêu chọc nhau tứ tung, thì cháu đứng dậy bảo: Cháu đi về đây. Cô ra tiễn cháu, đóng cửa, cháu ghé tai bảo thầm: Cháu bực chú C lắm. Ừ, cô cũng đoán phải có nguyên nhân gì chứ. Lỗi là tại chú C, nhăn nhở với phái đẹp quá nhiều là không đượcJ.

Gần nhà cô cháu mình có bạn Bùm. Cũng sành điệu không kém. Mùa hè bao giờ cũng áo hawail đi kèm quần xoọc sáng màu. Áo hoa xanh đỏ tím vàng, mỗi thứ chơi một màu. Bạn Bùm trông rất hiền, lúc nào cũng cười lỏn lẻn, không bốc lửa như cháu. Cháu và bạn Bùm thân nhau. Cách đây vài tuần, bạn Bùm theo ba mẹ chuyển nhà đi mất. Một hôm, cô đang ở trong nhà, thấy cháu kêu ầm lên: Bùm ơi? Mở cửa, ngó ra hành lang, cô thấy cháu đang ôm bạn Bùm, nhìn cách cháu ôm, cô chắc là rất chặt. Cháu kêu toáng lên chắc cả thế giới đều biết: Bùm ơi, Chíp nhớ Bùm lắm. Chíp yêu Bùm vô cùngJ.

Cháu dạy cô rất nhiều, cô chỉ gửi lại mỗi một câu: sau này, cháu phải học nhiều thứ. Nhưng có những điều, chẳng phải học gì đâu, chỉ cần giữ cho nó đừng mất đi quá nhiều là được (mất đi một ít là chuyện phải chấp nhận). Cô đi trước cô biếtJ.

P/S. I love youJ.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2008

Khi kỷ niệm quá to

Em trai đi công tác mãi. Con và em dâu ở nhà, lang thang, đi tìm bộ bàn ghế (được quyền lựa chọnJ). Hôm qua, bọn con đã chọn được một bộ vừa tiền, vừa với phòng khách và vừa ý cả hai chị em. Hôm nay, người ta sẽ mang bàn ghế mới đến. Con cũng thấy vui vui. Nhưng tối qua, về nhà, con cứ nghĩ mãi. Con đã bảo với mẹ, mang bộ bàn ghế cũ trong nhà ra làm gì. Nó chẳng hợp tẹo nào, mà bọn em con thể nào chẳng mua bàn ghế mới. Vậy mà bố vẫn lừng lững xuất hiện với bao nhiêu thứ, và trong đó là bộ bàn ghế cũ. Hình như hôm đó, con đã nhăn nhó: con đã bảo đừng mang bộ bàn ghế ra cơ mà? Chắc bố bảo với mẹ, nên mẹ gọi điện ra cho con, giọng chắc như cành hồng cắm vào tấm bọt biển: bây không được vứt bộ bàn ghế đi đâu đấy, đấy là Kỷ niệm. Ừ, thì đúng là kỷ niệm thật. Ngày bố đưa nó về (cách đây cũng dễ đến 17 – 18 năm), cả nhà đều rất thích. Ba chị em con thường tranh nhau nằm lên cái ghế dài. Có hôm, không tranh được, con nhét mình vào cái ghế đơn, rồi bị kẹt cứng ở trong đấy, mẹ phải cầm tay lôi con dậy. Chuyển xuống nhà bây giờ, bố đã đưa về 2 bộ bàn ghế nữa, thế mà mẹ vẫn đòi giữ cái kỷ niệm to đùng ấy. Mẹ thì giữ rất nhiều thứ. Có hôm, con về quê, thò cổ vào cái hòm gỗ để tìm cái gì đó cho bố, nhìn thấy đôi vợt cầu lông cũ rích của con, lưới được nối lỗ chỗ, con lôi ra hỏi mẹ: mẹ giữ cái này làm gì? Mẹ bảo: thì giữ cho con, làm kỷ niệm, hồi cấp 3 của con còn gì. Thậm chí, thỉnh thoảng mẹ còn tiếc rẻ vì không giữ được cái xe đạp sắt hồi bé của ba chị em con. Thực ra, càng ngày con càng cảm thấy mình may mắn, vì được mẹ cho nhiều thứ, mẹ lại còn giữ rất nhiều thứ cho con. Nhưng bộ bàn ghế này, con sẽ cho đi mẹ nhé. Mình chỉ cần nhớ nó là đủ. Và các em con sẽ xếp bộ mới vào… Tuy nhiên, đến giờ con vẫn chưa gọi điện cho mẹ, vì thực ra với con nó cũng là một kỷ niệm “to đùng”…

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

Quá sức

E hèm… người phụ nữ hiện đại là phải biết cân bằng giữa gia đình và công việcJ

Chuyện là thế này. Bố gọi điện cho con gái, bằng số máy của bố, tất nhiên là bằng giọng của bố (không lạc vào đâu được) bảo: có nhận ra ai không? Con gái bảo: Có. Hình như là bố. Bố bảo: Tốt. Sau đó bố giao nhiệm vụ cho con gái. Cụ thể là con gái bác Q tên N cưới ở XXX TT vào hồi 11h sáng nay. Bác N thì con gái của bố cả 10 năm không gặp sau 1 lần gặp duy nhất trong đời cách đây cả 10 năm. Con gái của bác N thì con gái bố chưa bao giờ gặp (cũng mới biết là bác Q có cô con gái tên N khi bố gọi điện). Lúc đấy bố đang ở quê (lúc đấy là 10h sáng và quê cách HN tức nơi diễn ra đám cưới 300km). Con gái bảo: tức là con phải đi dự đám cưới thay bố chứ gì? Bố bảo: đúng rồi. Kết luận: con gái sẽ thay bố đi dự đám cưới của cô N con bác Q ở XXX TT, tức là cách văn phòng khoảng 30’ với tốc độ rùa bò của con gái.

11h15, con gái rời văn phòng (con gái vẫn phải tỏ ra là 1 nhân viên không vô kỷ luật quá nên không thể rời văn phòng sớm được). Đi được 10’ thì chuông điện thoại réo ầm ỹ. Đã định không nghe rồi, nhưng điện thoại vẫn hát mãi. Nghe vậy. Wa, thì ra là sếp gọi. Sau khi nghe điện thoại, con gái quán triệt được tinh thần của sếp như thế này: sếp đang rất cần 1 cái công văn X, con gái lại là người phải tìm cái công văn ấy. Kết luận: con gái sẽ quay lại văn phòng tìm công văn cho xếp (đúng chức năng của con gái ở văn phòng).

Con gái hớt hải về đến văn phòng, thì thấy sếp ngồi đấy. Nhưng sếp bảo: Mọi chuyện đã xong rồi. Anh gọi cho em mãi, để bảo em không cần quay về nữa, vì anh đã tìm được cái công văn đó rồi, nhưng máy em cứ bận suốt. Kết luận: May quá, vậy là mình không phải tìm công văn nữaJ.

Con gái lại hớt hải đi đến chỗ XXX TT để dự đám cưới. Đến nơi là hơn 12h. Đám cưới trông chán lắm, vì đã muộn rồi mà, nên những người ăn mặc đẹp để đi dự đám cưới đã về gần hết rồi. Cũng còn vài mâm nữa đang cười nói hỷ hả. Nhưng chẳng ai nghênh đón con gái cả. Thế là con gái chủ động (mô tả đúng tính cách của người phụ nữ hiện đại nhé) hỏi một vài người, thì được phúc đáp rằng: chẳng biết bác Q là ai. Theo tư duy lô gích thì thế này, đúng địa chỉ này, đúng tên cô dâu và chú rể. Vậy đây chắc chắn là đám cưới cô N con bác Q rồi. Có điều, những người ở đây chưa đủ thời gian để biết cô N có một ông bố tên Q mà thôi. Ở đây, cũng chỉ có 1 cái hòm đựng tiền mừng, chỉ có 1 đám cưới. Vậy chắc chắn cái hòm tiền mừng này là của đám cưới con bác Q rồi. Thế là con gái bố đứng trước hòm tiền mừng khoảng 2’ (thời gian đủ khiến cho những người nhìn thấy lo lắng về hòm tiền mừng), rồi nhét tiền mừng vào và tung tẩy đi về. Kết luận: con gái đi dự đám cưới rồi bố nhé.

May cho con gái, là đang được chờ bởi hai người bạn, rồi bữa trưa cũng diễn ra ngon lành (vì đói quá) và vui vẻ (vì thấy buồn cười quá).

Duy chỉ có điều này là không khoái tý nào. Đợt này, chính phủ bắt phải đội mũ bảo hiểm khi lưu hành trên đường bằng xe máy. Con gái bố lưu hành trên đường bằng xe máy. Trời lại rét. Con gái bố cũng hơi điệu. Thế là, phải quàng một cái khăn trùm đầu, phải đội mũ của áo khoác lên đầu, rồi mới đến việc chụp mũ bảo hiểm (tất nhiên là lên đầu). Con gái bố lại không phải là Mai An Tiêm bị đày lên đảo hoang, nên cũng có một vài mối quan hệ. Bạn đồng nghiệp, bạn đồng môn, bạn trên đời, bạn trên net. Hôm đó, chẳng hiểu sao họ cứ rủ nhau gọi điện cho con gái. Con gái không thể cởi mũ bảo hiểm, bỏ mũ áo khoác rồi lột khăn trùm đầu ra liên tục để nghe điện thoại được (mà điện thoại thì không thể nghe bằng mũi được), thế là lại phải cố gắng hết sức nhét cái sản phẩm của nghành khoa học công nghệ ấy giữa đủ thứ linh tinh như đã nêu ở trên để kết nối thông tin với bè bạn và công việc.

Kết luận: Bà ngoại (không phải người phụ nữ hiện đại) xem một ngày của cháu gái như thế này có phải là vui khôngJ.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Chơi với người lớn

Đấy là cậu bảo tớ viết đấy nhé…


Ngày xưa, thích Jane Erơ lắm. Hồi bé thì xem phim. Lớn lên thì đọc chuyện. Vậy mà giờ quên hết. Nhớ mỗi hai cái. Thứ nhất, nhớ hình ảnh Jane Erơ đứng trong tiệm bánh, đang đổi cái khăn muxoa (hình như thế) lấy bánh ăn. Thứ hai, là nhớ cách cô ấy nói chuyện với người đàn ông của cô ấy: Ông và Em. Hay nhỉ, Ông và Em. Như thế nào thì sẽ gọi là Ông và xưng Em?

Tự nhiên, mấy năm nay, trong đời tôi có một ông Thợ Lặn chẳng liên quan gì sất đến tôi nhảy vào. Đi đứng, nói cười, và nhiều lúc không thèm nói gì. Tôi chỉ gặp ông ấy 1 lần, khoảng 5’, rồi thôi, nhưng vì nhiều lẽ, tôi để cho ông ấy cái quyền được đi đứng, nói cười, và nhiều lúc không thèm nói gì trong cuộc sống của tôi như vậy cũng mấy năm nay rồi.

Cách đây vài năm (3 năm thì phải), Em gọi điện cho tôi, bảo rằng Em đang quen, và đang nhớ Ông còn Ông thì biến mất, hai tháng rồi vẫn không thấy bóng chim tăm cá (tức là Ông) đâu. Và Ông nghiễm nhiên đi vào đời tôi như thế. Ông xuất hiện, rồi Ông biến mất, rồi Ông lại xuất hiện. Tôi quay như chong chóng, giữa vui mừng, ngạc nhiên, rồi ngán ngẩm. Thế là vào một ngày đẹp trời, tôi và Em gọi Ông là Thợ Lặn. Đến giờ, nhiều lúc tôi chẳng nhớ nổi tên Ông là gì. Trong điện thoại của tôi, có lưu số của Ông (vui thật) – như thế này: Thợ Lặn: 09…..

Tôi chán Em lắm. Trước hết, vì Em là người không giữ lời. Đã bảo “thôi” thì thôi. Đằng này, bảo “thôi” rồi, còn cấm tôi nói tới Ông. Nhưng một thời gian sau, lại bảo: Ông vừa nổi lên, và thế là Tôi lại được nghe và nói về Ông. Cái việc thứ hai, tôi chán Em là thỉnh thoảng Em như bị dở hơi, chỉ vì Ông. Đã có lúc, tôi thấy bực với Ông vô cùng.

Tuy nhiên, thực lòng mà nói Tôi cũng chẳng ghét gì Ông cả. Vì với những điều tôi biết (Chán quá, chỉ qua Em), thì Ông hay vô cùng – nên tôi cũng hơi ngờ vực. Nhưng có điều này thì Tôi tin, từ trước tới nay chẳng đấng mày râu nào làm cho Em vui lên và buồn cười (cũng rất dở hơi) như Ông cả. Nên nhiều lúc, Tôi cũng băn khoăn lắm, chẳng biết phải nghĩ như thế nào thì hợp lý. Nhưng xét cho cùng, có nhất thiết mọi việc trên đời này đều phải hợp lý không?

Trước Tết, Em tuyên bố với tôi “mọi chuyện thế là xong nhé, bắt đầu những ngày mới”. Ôkê. Tôi biết thế. Nhưng thấy Em hùng hồn và xét thấy tình trạng bặt hơi tăm cá của Ông, tôi cũng tin sái cổ, thế là Tôi cũng rất hùng hồn nói cho Em về những dự định mới của tôi.

Sáng mồng 1 Tết, Tôi thức dậy, lòng như trời biếc lúc ban sơ (câu này của một người nổi tiếng nhéJ), cầm đến điện thoại, giữa những tin nhắn chúc mừng năm mới của bạn tôi là tin nhắn của Em. Theo tin nhắn đó, thì Tôi đành phải hiểu là: Ông đã tái xuất giang hồ. Đến bây giờ, câu chuyện giữa Ông và Em đang ở hồi tốt đẹp.

Từ trước tới nay, thỉnh thoảng tôi cũng làm được 1 vài việc hợp lý. Ví dụ như với Ông và Em, thì tôi phải mặc kệ thôi. Nhưng nhỡ có “mệnh hệ” gì, Em đừng quá buồn nhé, và em có thể đánh thức tôi dậy bất cứ lúc nào trong đêm, trước khi tìm thấy được một ai khác có thể hoặc không thể yêu em hơn Ông nhưng nhất thiết phải thương Em thật nhiều, và (cái này là tôi thích) trẻ hơn ông nữa nhéJ.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Chơi với trẻ con

Những chuyện vớ vỉn nhân đọc Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa bao giờ kể

Tối, sau khi đã dỏng tai lên nghe vài chuyện, mình chui vào chăn ấm sực, cầm cuốn Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa bao giờ kể. Nghĩ đến lời chúc của S đêm 30, tự nhiên bật cười, cám ơn bạn lắm, mình cũng mong như vậy. Sáng ra, quyết định ở nhà, kéo rèm nhìn ra trời, thấy trời sáng hơn, tung chăn nhảy xuống đất, thấy ngày ấm hơn thì phải. Khi đi loanh quanh dọn dẹp trong nhà, một số chuyện vớ vỉn tự nhiên ngúc ngắc mỉm cườiJ.

Đá lạnh

Mình hầu như chẳng nhớ được gì về thời gian mình sống ở khu TT LC. Hồi đó, mình còn bé quá? Sau này, nhiều chuyện đều do mẹ và các cô chú trong khu kể lại. Nhưng chuyện này thì mình tự nhớ lấy. Hồi đó, đá lạnh hiếm lắm. Trong khu TT, chỉ có nhà bác K đi Liên Xô về là có tủ lạnh. Bác ấy lại không có con (lúc ấy), chứ sau này thì bác ấy đầy con (vì bác ấy có hơn 1 vợ mà), và bác ấy quý mình nhất khu TT (là mẹ bảo thế). Nhưng chắc là đúng, vì sau này, mỗi lần gặp lại mình, bác ấy đều rất vui, kể bao nhiêu chuyện. Mà những ảnh hồi mình bé tí treo trong nhà bây giờ đều do bác ấy chụp đấy thôi. Mẹ bảo bác ấy quý mình vì mình được tắm rửa rất sạch sẽ (hehe, vậy là nhờ mẹ vì mẹ tắm cho mình mà), chuyện này cũng có thể đúng vì hồi bé trông mình cũng chẳng xinh tẹo nào (nhìn ảnh thì biết), trông giống con trai, nên đó có thể là lý do chính đáng cho việc bác ấy quý mình. May mà bác ấy không giống mình nhỉ, vì mình bây giờ cứ thấy đứa nào nhem nhuốc là thích, như mấy đứa trẻ mặt đầy vết thuốc chàm xanh đỏ trên Sapa ấy, hay thằng bé ăn kem dính đầy kem trên miệng trong Vincom nữa. Hôm đấy, bác ấy cho mình 3 cục đá lạnh to cực, tức là xếp đầy cái ca nhôm (cái ca nhôm này mẹ vẫn giữ khi chuyển nhà lên khu TT QT, và 3 chị em vẫn dùng suốt, nhưng ở nhà bây giờ thì chẳng thấy đâu), rồi ai đó (có phải vợ bác ấy không nhỉ, là bác Nh ấy) rắc lên mặt viên đá trên cùng 1 ít đường. Chuyện chẳng có gì, và cũng chẳng do ai kể lại, nhưng mình cứ nhớ mãi một đứa bé gái còi còi, tay cầm cái ca nhôm đầy háo hức, ngồi ở hành lang khu TT, nhìn những hạt đường chờ cho nó tan hết. Làm sao mà nó tan nhanh được, và sao ai đó lại nghĩ đến việc rắc đường lên đá lạnh nhỉ?


Đánh nhau

Hồi nhà mình chuyển lên khu TT QT, đến Tết hoặc ngày lễ gì đó, các cô chú ở khu TT LC lại lên chơi, 3 chị em mình tất nhiên sẽ ra chào. Các cô chú ấy lên nhiều lần lắm, nhưng lần nào nhìn thấy mình cũng bảo: cái V đây rồi, hồi bé kinh lắm đây. Trời ơi, hồi bé mình kinh lắm sao? Thế này có kinh không? Ở trong khu TT, nhà thằng N là giàu nhất, bố nó mua cho nó rất nhiều thứ, nhưng chuyện đáng tự hào nhất là nó có 1 chiếc xe đạp 3 bánh, và chỉ mỗi mình nó có cái xe đạp mà thôi. Hôm đó, bọn trẻ con trong khu đứng vây quanh nó, nhao nhác: cho tao đi một tý, cho tao ngồi một tý thôi… Thằng N tất nhiên là không cho, theo lời nhận xét của mọi người (vì tôi không nhớ), nó vẫn hay như vậy, nó là thần giữ của. Tôi cũng ở trong cái đám lao nhao ấy, xin xỏ một đứa phụng phịu được ngồi lên xe đạp 3 bánh một chút. Nó bảo: không được. Tôi nhìn nó một lúc, bất thần xô vào người nó, đẩy bật nó ra khỏi xe, nó rơi phịch xuống đất. Còn V tôi thì leo tót lên xe, lúc thì chống chân xuống đất ẩy, lúc thì đạp vào 2 bàn đạp, chạy tít xuống cuối dãy TT. Thằng N khóc ầm lên. Tối đó, bà nó dắt nó sang nhà tôi, gặp bố mẹ tôi rồi nói gì đó. Cũng chẳng thấy bố mẹ bảo gì tôi. Nhưng 1 tháng sau, bố đi học ở NĐ, lúc về, bố vác trên vai một chiếc xe đạp 3 bánh bằng sắt, lốp cao su. Từ đó đến nay, tôi chưa thấy có cái xe đạp trẻ con nào giống cái xe đạp bố mua cho tôi hồi đó. Chiếc xe này được đưa lên khu TT QT khi gia đình tôi chuyển nhà. Cà 3 chị em tôi rồi đến 4 đứa con nhà 2 dì đều đạp nó. Không biết bây giờ nó ở đâu??? Sau này lên cấp 2, tôi học cùng lớp với thằng N. Nó học rất giỏi, tính tình rất khảng khái, lại làm lớp trưởng nữa, có thể ra lệnh cho cả lớp. Vậy mà sao hồi bé, nó lại keo kiệt thế, và lại để cho tôi tranh cướp thế không biếtJ.

Lên cấp 3, tôi còn học cùng trường với 1 anh tên C nữa. Anh này dạo đấy trông ổn, nghĩa là sáng sủa khôi ngô. Nhưng mọi người đều bảo hồi bé anh ấy béo nhất khu TT, cũng hiền nhất nữa. Hehe, sao một chàng trai khôi ngô lại có lúc trông như cối xay vậy không biết? Và có 1 đặc điểm nữa là anh ấy rất sợ tôi, cứ trông thấy tôi là anh ấy chạy mất, nấp vào 1 nơi nào đó. Đơn giản vì nếu tôi đứng cạnh, tôi sẽ véo anh ấy rất đau mà anh ấy thì chẳng bao giờ dám đánh lại tôi. Nói cho cùng, thì cũng chỉ vì anh ấy béo quá, nên chắc là véo anh ấy rất thích, mà anh ấy thì không đánh lại bao giờ, nên tội gì tôi chẳng véo, chứ tôi cũng có kinh khủng gì lắm đâuJ.
Tắm biển
Nhà ở khu TT QT. Hồi ấy ở trên đó cũng khá oách. Khu TT do Đức xây. Nhà có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp và khu vệ sinh. Thằng M còn chưa biết đi, chỉ biết nằm hoặc ngồi, thằng C hơn thằng M 4 tuổi, béo như cối xay, tôi bảo gì nghe nấy. Đương nhiên, tôi là chị cả, hơn nó những 2 tuổiJ. Hồi đó, bố mẹ rất sướng, không phải vất vả tìm ôsin như bây giờ, vì chỉ việc nhốt 3 đứa trong nhà, rồi đi làm, 3 đứa sẽ tự trông lấy nhau. Thực ra, việc trông em cũng chẳng khó khăn gì, làm thế nào cho nó đừng khóc là được. Bây giờ có thể trẻ con khó tính hơn chăng? Vì thấy ôsin vất vả lắmJ. Chẳng cần phải đợi đến khi nó khóc, mới nghĩ ra việc gì đó. Hôm trước, bố đưa 2 chị em đi xem phim ở rạp 12-9 (rạp này bây giờ vẫn còn, nhưng trông nó bé tý, chứ không trông giống nhà hát lớn hồi tôi còn bé). Tôi chẳng nhớ là phim gì, nhưng có cảnh tắm biển. Sáng hôm sau, bố mẹ đi làm, lại nhốt 3 đứa ở nhà, tôi sẽ chơi với thằng C và trông chừng thằng M, không để cho nó khóc là được. Hồi đó, các khu TT đều thiếu nước trầm trọng vào mùa hè. Trong nhà tôi có đến mấy cái phi chứa nước. 2 phi cao to chứa nước sạch đặt trong phòng tắm, và 1 cái phi con chứa nước không sạch đặt trong nhà vệ sinh. Mẹ thường đổ nước rửa rau và giặt đồ lần cuối vào đó để dùng cho nhà vệ sinh. Mẹ bảo, nước ít nên phải tiết kiệm nước như vậy. Bố mẹ đi được 1 lúc, thằng M thì nằm giữa nhà (cho mát), tôi bảo thằng C, chị em mình tắm biển đi. Thằng C ngay tức khắc nghe lời tôi (chứ không như bây giờJ). Phòng khách có 2 cửa (thực ra nó kiểm cả phòng ngủ). Tôi và thằng C gài cái cửa nách lại, lấy giẻ lau nhà chèn chặt ở chỗ hở ở chân cửa, vậy là kín được 1 lối. Cái cửa còn lại thì không cần chèn giẻ (hai chị em bảo thế), vì nó có 1 cái gờ sắt cao khoảng 5cm (là bây giờ tôi biết nó cao 5cm thôi, chứ hồi đó thì không giỏi như thế) nên có thể chắn nước. Nhưng thực ra, lúc đó cũng không tìm thấy được cái giẻ lau nhà nào nữa, đã nhét hết ở cái cửa kia rồiJ. Thằng M vẫn nằm giữa phòng khách, đã lật qua nằm sấp, đang đập tay xuống nền nhà. Nó bé thế, không thể làm gì được. Tôi dùng gáo múc nước từ trong cái phi con, đổ vào chậu, rồi cùng thằng C bê vào phòng khách, đổ ụp xuống sàn. Thực ra, tôi cũng không có ý định tiết kiệm nước cho mẹ đâu, nhưng 2 cái phi nước sạch thì cao quá, tôi không thể múc 1 cách dễ dàng được, chỉ có cái phi con là vừa tầm, nên múc nước từ đó là tiện nhất. Hai đứa hè nhau bê được mấy chậu đổ vào nhà rồi mà nước chỉ lấp xấp. Đương nhiên là thế rồi. Nhưng thằng M thì rất thích, nó đập nước bắn tung tóe. Tôi bảo thằng C, thế này thôi cũng được. Vậy là 2 chị em lăn ra nhà, rất sung sướng. Kể ra thì việc chuẩn bị bãi biển cũng vất vả, nên chỉ mới đến đoạn đó thôi thì mẹ mở khóa bước vào. Sau này mẹ bảo, lúc đấy sợ hết hồn, vì mặt thằng M tái ngắt vì lạnh. Nhưng tôi thì không chắc chắn lắm, vì tôi nhớ là nó cười cơ màL.

Tắm vòi công cộng
Nhà vẫn ở Khu TT QT, tức là thỉnh thoảng lại thiếu nước, nhất là mùa hè. Nhà tôi ở Đơn 1, tầng 4. Đơn 1 có 1 cái vòi nước công cộng, đứng trên ban công nhà tôi, thò cổ ra, là thấy hết mọi sự ở đó. Vòi nước công cộng của đơn bé tí, là 1 cái ụ đá, có cái vòi nước thò ra, xung quanh ụ đá, các cô chú trong khu kê mấy tấm bê tông để đặt xô lên đấy, từ vòi nước chạy ra cầu thang của Khu TT là một lối đi, được lót đá rất cẩn thận. Thường thì mua hè, xô chậu sẽ được xếp hàng trên lối đi ấy. Có hôm nước chảy yếu, hàng xô chậu dài đến chân cầu thang. Cạnh vòi nước một hai bước chân, là cái nắp cống, nắp cống rất to, bọn trẻ con thường đứng trên đó dội nước ào ào. Khi nghỉ hè, trẻ con trong khu chờ trời tắt bớt nắng là rủ nhau xuống sân bóng. Đứa đá bóng, đứa bắt cào cào, vài đứa khác rượt nhau, tất cả đều trên sân. Nhiều khi, đứng trên tầng nhìn xuống, bố mẹ không biết con mình đang rượt nhau hay đang đá bóngJ. Tầm khoảng 6h khi trời còn sáng, thì các bà mẹ, bà chị thò cổ qua ban công hướng xuống sân gọi bọn con trai/ em trai về tắm, về ăn cơm. Những lúc đó, thằng M nấn ná một lúc rồi chạy ù về, leo lên tận tầng 4, vác cái chậu nhôm và cầm cái quần đùi mẹ để sẵn từ trước rồi lao xuống vòi nước. Cũng có hôm, nó lười, nó đứng dưới đất, ngửa cổ gọi ầm lên, thế là tôi phải ném cái quần đùi xuống cho nóJ, nó cũng chẳng cần chậu. Thằng M hồi đó đã đen rồi, lúc nó học lớp 1 – 2, nó không béo tròn nữa, mà người đã dài ra, nó nhanh như sóc. Có hôm tôi đứng trên ban công nhìn xuống, theo dõi xem nó tắm sắp xong chưa để còn dọn cơm. Người nó đen nhẻm, bé con, nó bê cái chậu nhôm to đùng, mặc cái quần đùi màu đỏ. Đáng lẽ phải xếp hàng, thì nó lại ngửa cổ lên nói với anh MM (rất cao) đang đứng cạnh vòi nước: cho M một ít nước để M tắm được không? Anh ấy buồn cười quá, bảo: mày tránh ra, đặt chậu bên kia (là cái nắp cống) rồi anh đổ nước vào cho. Thế là nó không phải xếp hàng, mà vẫn được 1 chậu nước to để tắm. Một lúc sau, khi đã dội ào chỗ nước còn lại trong chậu lên người, nó lại khệ nệ vác cái chậu sang và ngửa cổ lên với 1 anh khác (lần này không phải anh MM nhưng cũng rất cao): cho M ít nước để M giặt cái quần đùi được không? Sau này, mẹ bảo, mẹ chán nhất là tôi, về việc đi xếp hàng lấy nước ấy. Vì tôi không như thằng M, bao giờ cũng phải chờ đến lượt mới có nước, đã thế nhiều lần còn bị người ta đẩy ra sau. Ngày mùa hè dưới sân của thằng M bao giờ cũng kết thúc bằng việc ôm cái chậu như vậyJ. Có một hôm, cả nhà đang ngồi chờ nó tắm xong về ăn cơm, thì thấy nó chạy ào vào, trần như nhộng, ôm cái chậu nhôm, trong chậu là cái quần đùi đã giặt, được vặn lại (vắt cho ráo nước ấy mà), nó gào tướng lên: đóng cửa nhanh, để con thay quần áo. Có lẽ quan niệm về việc thay quần áo của nó hồi đó là thế. Hóa ra nó quên lấy quần đùi, tắm xong, vẫn giặt quần cũ như thường, rồi chạy về nhà. Bố tôi buồn cười lắm, nhưng cũng đứng dậy, chốt lại cửa chính, và kéo cái cửa ngăn giữa phòng khách và phòng tắm, để nó lau người và mặc quần mới vào (tức là thay quần áo ấy). Chuyện đấy là hồi nó còn bé tý, tôi phải đính chính như vậy, không thì nó lại mắng tôiJ.

Gặp Bác Hồ
Thằng C nhà tôi ít hơn tôi 2 tuổi. Lúc dọn lên khu TT QT, tôi học mẫu giáo 5t, thì nó học lớp 3t. Hai chị em học cùng 1 trường, tôi học tầng 2 còn nó học tầng 1. Mẹ tôi bảo, bao giờ tan lớp, thì tôi phải chạy xuống dắt nó về nhà. Nhưng thỉnh thoảng, chưa tan lớp, tôi cũng chạy xuống lớp nó, kiễng chân qua cửa sổ rồi nhìn vào. Hồi bé, thằng C rất béo, mắt híp lại, và trắng tinh, và rất lười nữa. Tôi bảo nó lười, vì mấy lần tôi chạy xuống nhìn vào lớp nó thì thấy nó béo quay, đang ngồi trên 1 cái ghế ngay giữa lớp. Nó đặt hai tay lên đầu gối, mặc cái áo hoa xanh mẹ tôi mua cho, và chỉ nhìn thôi chứ không chơi. Quanh nó, thì bọn bạn hò reo, chạy toán loạn lên. Mỗi chiều, khi tôi dắt nó về nhà, mẹ tôi tắm rửa sạch sẽ cho hai chị em, rồi tôi lại dắt nó ra cầu thang chơi, chờ bố đi làm về. Ở khu TT QT, cả bọn trẻ con cùng tầng đều ra cầu thang chơi. Nhưng như tôi đã bảo, thằng C rất lười, nó chẳng chơi gì cả, mà nó cứ đứng ở cầu thang, mỗi lần có cô chú nào đi qua, nó lại vòng tay lại, và chào rất to: cháu chào cô/ chú ạ. Mọi người đều rất thích nó, ai cũng bảo: Nhật Hoàng à, ngoan quá. Gọi nó là Nhật Hoàng, vì nó béo quá, mắt lại híp. Khi tôi học lớp 1, chuyển sang trường tiểu học, thì nó học lớp 4t. Nó tự đi học, tự về nhà (trường mẫu giáo ở ngay gần nhà, đứng ở ban công nhà tôi, có thể nhìn được nó ngay khi nó đi ra khỏi cổng trường). Một hôm, nó về nhà, mặt rất hớn hở, cầm theo mấy cái kẹo. Nó bảo, hôm nay nó vừa được gặp bác Hồ, bác ấy vuốt má nó và cho nó mấy cái kẹo, giờ nó đang cầm cả đây. Trên tường nhà tôi hồi đó, mẹ tôi treo ba cái ảnh khá to sát cạnh nhau: ngoài cùng là Các-Mác, giữa là Lê-nin, rồi đến ảnh Bác Hồ. Lúc đấy, tôi nghĩ vậy là thằng C đã được gặp Bác Hồ rồi đấy (năm đó là 1982, nó 4 tuổi mà). Nhưng chỉ vài ngày sau thì tôi biết sự thật, còn thằng C thì tận năm lớp 2 nó mới biết việc này. Thực ra, hôm đó, cô hiệu trưởng trường mẫu giáo mời nghệ sỹ Tiến Hợi về trường, chú ấy đóng giả Bác Hồ, đi thăm và phát kẹo cho các cháu thiếu nhiJ.

Học vẽ
Thằng M 8t, học lớp 3. Nghỉ hè, bố xin cho nó vào lớp học vẽ của cung thiếu nhi TLM. Bố xin cho nó học vẽ, vì ở nhà nó rất hay vẽ. Nó vẽ khá nhiều tranh. Dạo đó, bố đã có thể mua cho 3 chị em nhiều thứ rất đẹp. Tôi có nhiều sách tiếng Anh, thằng C có bóng, súng…, thằng M thì có rất nhiều hộp bút màu đủ loại, màu sáp, màu dạ, màu nước. Những tranh thằng M vẽ dạo đó, lúc chuyển xuống nhà bây giờ thì bị thất lạc đâu mất, chứ mà giữ được thì cũng hay. Tuy nhiên, tranh của nó rất khó hiểu. Tiêu đề tranh thường là bố tôi, mẹ tôi, anh tôi, chị tôi, gia đình tôi… Nhưng tôi (cả bố mẹ tôi nữa) thường không nhận ra người quen ở trong đấy. Những người trong tranh nó (theo tôi nhớ) thì thường không được gọn gàng cho lắm, tóc tai bao giờ cũng bù xù, tay thì dài thõng thượt ra, mặt thì hoặc quá dài, hoặc quá trònJ. Nhưng nó thì thích học vẽ lắm, vẽ trên giấy bằng bút, hoặc ở cung thiếu nhi người ta còn cho nó vẽ ở trên sân gạch bằng gạch màu nữa. Hôm đó, tôi cùng mẹ đứng ở ban công nhìn xuống, vì đến giờ nó đi học vẽ về (ghi chú: cung thiếu nhi cũng gần nhà tôi nốt, đứng trên tầng là nhìn thấy nó ngay). Hôm đó, nó mặc cái áo sơ mi cộc tay trắng, quần xoọc, đội mũ lưới trai, nó đi rất nhanh, tay cầm một cái hộp màu hồng, rất nâng niu (cầm bằng cả hai tay). Lúc nó chạy xộc vào nhà, vẫn còn thở hổn hển, nó bảo: hôm nay, ở lớp học vẽ, thầy giáo thông báo con được giải B, cuộc thi vẽ thiếu nhi vì hòa bình (toàn quốc hẳn hoi), con được thưởng cái này, con nghĩ là cái bánh khảo. Nói chung, là nó rất vui. Mẹ tôi mở cái hộp màu hồng mà nó nghĩ là bánh khảo ra, trong đó thực ra không phải bánh khảo (mà đến giờ, tôi vẫn chưa nghe thấy ai được thưởng cái bánh khảo cả), mà là một cái đồng hồ để bàn rất xinhJ. Nó bảo: giấy khen vài ngày nữa cô mới phát mẹ ạ, cái tranh ấy con chỉ vẽ ở lớp thôi, rồi được gửi đi. Vài hôm sau, nó cầm tờ giấy khen về. Đáng tiếc, do một sơ suất nào đó, người ta lại in tên nó là Trần CM. Nhưng biết làm sao được, bố tôi vẫn treo tờ giấy khen ấy lên tường cho nó. Thỉnh thoảng, cũng có người rụt rè hỏi bố tôi: sao nhà anh, mỗi thằng M lại họ Trần, anh họ Nguyễn cơ màJ.
Về quê ngoại
Quê ngoại ở miền núi, có rất nhiều cây, nhiều hoa quả, nhiều nhất là mít. Đến mùa, cả người (là bọn tôi) và bò (ông bà tôi nuôi) đều được ăn mít thả phanh. Năm nào nghỉ hè, bọn tôi cũng được về quê ngoại, cách nhà tôi khoảng 80km, đi xe khách. Năm đó, thằng M còn học lớp 1 thì phải. Mẹ bảo, đợt 1 về quê sẽ gồm tôi và thằng M. Đợt đó, tôi đã được coi là người lớn, nên không cần ai đưa đi cả, tôi cảm thấy ý kiến này rất đúng. Nên bố chở 2 chị em ra bến xe, mua vé, đưa lên chỗ ngồi, dặn dò bác lái xe cho 2 chị em xuống ở bến xe PS, rồi bảo tôi: dì sẽ ra đón 2 đứa nhé. Hình như bọn trẻ con hồi đó đều như thế, tôi thấy bọn bạn tôi cũng vậy, chứ không như bây giờ, đến đi học cũng không được đi một mình. Chố ngồi của 2 chị em rất thoải mái, mặc dù ở cuối xe. Nhưng tôi bao giờ cũng bị say, thằng M thì không, nó chưa bao giờ say xe cả. Nên tôi phải nhắm mắt lại, cho đỡ say. Xe chạy một lúc thì có rất nhiều bà buôn chuyến lên. Các bà buôn chuyến thường giống nhau thì phải, đều rất to béo, nói rất nhiều, rất to và không bị say xe gì cả. Chỗ ngồi tự nhiên rất chật. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, tôi chỉ cần có 1 chố ngồi và nhắm tịt mắt lại. Nhưng thằng M thì không thế. Nó hồi đó còn bé lắm, không cao to như bây giờ, miệng nó rộng, loe ra, hơi cong, mắt thì to. Tóm lại, trông nó rất buồn cười. Tôi đang nhắm mắt lại, thì nghe tiếng nó nói, nói to đàng hoàng: Bác ơi, bác không được dựa người vào chị cháu. Chị cháu đang bị say xeJ. Nó kinh thật. Mấy bà buôn chuyến to béo cũng bảo: thằng này bé tý mà kinh thậtJ. Lên nhà bà ngoại tôi phải qua sông Lam. Đợt đó, chưa có cầu, chỉ có phà. Đến phà, tất cả mọi người đều phải xuống đi bộ. Bác lái xe bảo: không thì rơi tõm hết xuống sông à. Và không thì bác ấy sẽ bị phạt nữa. Thỉnh thoảng, có một vài người được ngồi lại trên xe, nhưng phải xin xỏ kinh lắm. Tôi về quê với dì nhiều lần rồi, nên tôi biết. Xe chạy mãi thì cũng đến phà, tôi mệt lắm, vì tôi say xe mà. Chán thật, nhưng sẽ phải xuống thôi. Mọi người xuống gần hết, chỉ còn chị em tôi và 2 – 3 người nữa. Lúc bác lái xe đi về phía bọn tôi, thì tôi đang bắt đầu đứng dậy để đi xuống. Thằng M đang đứng nhưng chẳng có vẻ gì là bắt đầu xuống cả. Tôi định giật tay nó, thì thấy nó nói to, lại nói to nhé: Bác lái xe ạ, chị cháu không xuống được đâu, chị cháu phải ngồi lại đây, vì chị cháu say xeJ.

Đi Hà Nội
Tôi học lớp 10. Lớp 10 hồi đó không được đĩnh đạc như lớp 10 bây giờ, trông vẫn ngớ ngẩn lắm. Nghỉ hè, nóng kinh khủng, và chưa phải đi học hè. Chiều đó, sau khi lang thang trong khu tập thể với cái P (cô bạn này không biết bao giờ tôi gặp lại nữa, đây có lẽ là người bạn thở thơ ấu hiền lành nhất của tôi), tôi ló cổ về nhà. Ở nhà, đồ đạc đang bị kéo tung ra, mẹ đang quét cái gì đó, bố thì đang sắp xếp đồ đạc. Bố hỏi: đi đâu về vậy con? Rồi tự nhiên, bố bảo: hay là đưa mấy đứa đi Hà Nội chơi nhỉ? Ý tưởng này thật bất ngờ, mẹ cũng đồng ý, nhưng vẫn không tưởng tượng được câu tiếp theo của bố: con đi gọi 2 thằng giặc kia về ngay, xếp đồ, tối 4 bố con mình đi Hà Nội. Thế là tối đó, 3 chị em tôi được bố cho đi Hà Nội. Đợt đó, tàu xe không như bây giờ. Đi ra ga, bố mua hai cái vé (cho bố và tôi - những người đã lớn và chắc cũng không trốn được vé), lên tàu bố trả tiền cho chú soát vé - thằng C và thằng M mỗi đứa chỉ mất ½ suất vé thôi. Nhưng tóm lại, cũng chỉ có 2 cái ghế. Bố trải một tấm ny lông ở dưới ghế, bố bảo bố sẽ ngồi lên đó, còn 3 chị em tôi thì ngồi ghế. Tôi hay say xe nhất, nên ngồi cạnh cửa sổ. Theo bố, ngồi đó sẽ thoáng, đỡ bị nôn hơn. Còn tôi thì nghĩ, chỗ đó gần cửa sổ, lúc nôn tôi sẽ thò đầu ra cho tiện. Thằng C đợt đó cũng hay say, nên ngồi cạnh tôi. Thằng M bé nhất, nhưng chẳng say bao giờ, ngồi ngoài cùng. Đi được một lúc, thằng C bị nôn, bắn hết cả vào người thằng M. Sau đấy thì mọi chuyện đều ổn, cả 3 chị em quay ra ngủ. Ra đến Hà Nội, bố thuê phòng ở Nhà Khách cho chúng tôi ở hẳn hoi, và dẫn đi khắp nơi. Tôi thì thấy mọi chuyện đều tốt đẹp, nhưng lúc về thấy thằng M kể với mẹ: lúc C say, nôn hết vào người con, con không bảo gì, nhưng lúc con ngủ quên, tựa đầu vào người C thì C ẩy con ra mẹ ạ. Thấy mẹ bảo: chắc là C ngủ say, nên không để ý thôi. Và hình như là mẹ thuyết phục được nóJ.

Đi Sài Gòn
Bố làm trong Sài Gòn. Đến đợt nghỉ hè, bố bảo mẹ gửi 3 đứa vào chơi. Đợt 1 sẽ gồm tôi và thằng M. Dĩ nhiên là bọn tôi rất thích, vì Sài Gòn rất xa, và cả 3 đứa đều muốn biết Sài Gòn như thế nào. Hơn nữa, được đi chơi là thích rồi.
Mà thôi, dự án cũ gọi đi chơi, đi chơi với người lớn tý. Lúc nào không “buồn cười”, thì lại chơi với “trẻ con”… “Trẻ con” còn khối chuyệnJ

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2008

Năm mới, bạn gái cũ

Trời lạnh quá, tự nhiên lại muốn gọi điện cho bạn. Rồi lại thôi, thực ra lâu rồi không có thói quen gọi điện cho bạn khi thấy “cái gì quá” nữa. Có lẽ tại vì hôm qua, đi thăm bạn chăng?

Gọi là bạn gái cũ, vì biết bạn từ lâu, hồi lớp 7 hay 8 gì thì phải nhỉ? Cũng thân bạn từ lâu nữa, từ hồi lớp chín (cái này thì chắc chắn), và xa bạn cũng lâu rồi, thế nên mới gọi là bạn gái cũ… Ngày bạn bảo “tao về V đây” cách đây những 7 năm còn gì? Lúc đấy, chẳng biết có trẻ không nhỉ, nhưng mình ngơ ngác, nghĩ sao mọi thứ gọi là thân thương tự nhiên đùng đùng rủ nhau bỏ mình đi hết thế nàyJ. Bạn đi rồi, viết ra cho mình một cái thư. Thực ra, bạn với mình cũng hay viết thư cho nhau. Nhưng chỉ có cái thư đấy, là bạn “nói chuyện” với mình. Chứ từ khi biết nhau, bạn với mình có nói gì nhiều đâu nhỉ. Sau này, mỗi khi chuyển nhà, hay xếp đồ, trong những thứ giấy tờ cũ kỹ lại rơi ra cái thư ấy, mình lại đọc, và lúc bỏ nó vào bì thư sẽ chậm hơn một chút.

Dạo bạn mới về, cũng hay gọi điện lắm nhỉ. Rồi thưa dần, chỉ đến sinh nhật, năm mới, hay ‘tự nhiên nhớ ra”, thì gọi. Gặp nhau ngày càng ít, càng vội. Hôm qua, bạn bảo, bây giờ gặp nhau lần nào cũng vội nhỉ. Ừ, thì đúng là thế thật. Cảm giác như, mỗi lần về, mình ù té đi gặp bạn một chút, rồi biết là bạn đang ở đó, là bạn trông như thế. Nhưng bao giờ, cũng nghĩ là phải chạy qua một chút. Hôm qua, trước giờ lên tàu, “lại chạy qua một chút”, gặp bạn cười tươi rói, em bé của bạn nằm trong chăn hồng, gối hồng, đệm hồng, tinh quái nhìn bạn và mình. Bạn cười, mình cười, em bé cười… Vậy là những gì bọn mình từng tin là điều có thật bạn nhỉ…

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2008

8/2/2008

Xông nhà:-).
Trước tết, thì hy vọng là trời sẽ ấm lên vào dịp tết. Nhưng mà Tết vẫn rét. Thế là lại hy vọng sau Tết sẽ ấm hơn:-). Thôi thì cố chịu 1 chút, chắc chắn đến mùa hè sẽ không rét nữa. Nhưng rét thì rét, mình vẫn luôn thích tết. Chẳng hiểu mình làm được gì ấy nhỉ? Toàn những việc chẳng đâu vào đâu. Hoành tráng nhất là "tiết mục vặt lông":-). Nhất là con ngan, cảm giác như vặt xong mấy con gà + ngan đó, mình phải già đi vài tuổi:-). Đã thế lại thêm một cây mai không chịu nở nữa, khiến mình mỏi hết cả cổ. Cây mai đẹp thật, đầy lộc non, rất nhiều nụ. Nhưng chỉ mới nở mỗi một bông. Hehe, chẳng biết đến rằm nó đã nở chưa nhỉ, chứ từ hôm về đến giờ, suốt ngày mình cứ phải xăm xoi xem có bông nào sắp nở chưa.
Gọi là xông nhà. Chứ năm cũ qua, năm mới đến, bao giờ cũng có cảm giác này, mường tượng kia:-).
Kết luận: chúc cả nhà mạnh khoẻ, vui vẻ; chúc bạn bè vui vẻ, mạnh khoẻ. Chúc cho mình vẫn còn biết vui và biết buồn:-).

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2008

1/02/2008

Buốt 10 đầu ngón tay. Buốt 10 đầu ngón chân. Buốt cả cái chỏm mũi, mặc dù mũi mình chẳng cao lắmJ. Lại còn mưa nữa. Lúc đi qua lăng Bác, thấy vắng hoe, đột nhiên lại nổi nhạc mới chết chứ, bài “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, nghĩ bụng chẳng hiểu mình đi qua hay đến phiên gác mà lại nổi nhạc thế kia. Về đến nhà, nhà tối om, em dâu chưa về, em trai chưa về (đợt này nhà mình chạy sô tất niên kinh quá); thế là chẳng có ai để xuýt xoa “lạnh quá; lạnh kinh khủng”. Phí thật, chẳng mấy khi trời rét thế này. Cầm được mấy cái vé tàu không phải đi mua mà tự nhiên có mới phát hiện ra ngày tàu chạy là ngày mồng 3/2. Hu hu, mình định về ngày mồng 2/2 cơ mà. Vui thật. Đúng là, chẳng có gì trọn vẹn cảJ. Chưa kịp sang năm mới, nói thế này có hơi gở không nhỉJ. Thôi, lấy được vé tàu nằm là ổn rồi, lại không phải xếp hàng, được một ngày đi long rong ở Hà Nội vậy. Sẽ đi mua phomát sợi và chocolate cân. Nhắc đến đây, lại nhớ Fan quá. Lúc chiều, nói chuyện với S về chocolate cân, giờ nghĩ lại vẫn buồn cười. Lúc chị VA đưa cho mình cắn một miếng, đã được cảnh báo là chocolate của chị cứng lắm, nhưng vẫn “phạm lỗi”. Thường thì nếu biết chắc là cái gì cứng lắm thì mình đã huy động răng hàm rồi, nhưng lúc đấy coi thường nhau quá, chỉ dùng răng cửaJ. Kinh khủng thật. Chắc vì trên Phanxi lạnh quá, chocolate của chị VA bị hóa đá, mình chắc cũng bị hơi vẩu 1 chút vì vụ cắn chocolate của chị ấy bằng răng cửa ấy chứJ. Sao mình nói linh tinh thế không biết, có phải tại 1/5 chén rượu hôm nay không. Tuy nhiên, kết luận lại là hôm nay vẫn vui, nếu có gì đen thì tiết mục thịt chó của 3 đứa cũng tống tiễn nó đi rồi. Hy vọng thế…