Gió cuốn mây có trôi…
Tấm hình chụp một cô gái Trung Quốc, đóng phim cổ trang, xinh lắm dì ạ. Trong phim cổ trang thì con gái thường đính lên đầu bao nhiêu thứ, và cài một cái trâm. Cái trâm cô ấy cài dài lắm, lại có bao nhiêu cườm. Không giống như cái trâm của dì cháu mình, ngắn hơn một gang tay, màu nâu, bằng mã não. Ngày đấy, bố đi công tác về, mua cho cháu 1 cái vòng tay mã não bé xíu, vừa cổ tay cháu như in, và cái trâm này. Dì rất thích cái trâm, thế là cháu bảo: cháu cho dì đấy. Tóc cháu ngắn chớm vai, cháu buộc túm lại rồi găm cái đuôi gà ấy chổng ngược lên bằng cái trâm. Tóc dì thì dài, búi lại một búi to, rồi găm cái trâm vào, trông đúng là dì, không phải cháu…
Dì đi thanh niên xung phong về, lấy chồng muộn, lại không có con. Thỉnh thoảng dì lại xuống nhà cháu, thường là hè, rồi đưa cháu về quê luôn. Sau này cháu lớn, tự về quê được, thì dì lại ra đón ở đầu đường. Mỗi lần dì xuống, hai dì cháu lại nói cười luyên thuyên. Có lúc, mẹ quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…
Về quê, đầy cây cao và núi cao. Ở trên xe, mọi người cứ tưởng cháu là con dì. Ngày ở quê của cháu trong lành. Sáng ra thơ thẩn đi bộ từ nhà bà sang nhà dì, lúc nhìn thấy con sóc bé như con chuột trong bụi tre, có khi tìm ra chùm hoa dẻ vàng xuộm ở trên đầu. Làm thịt một con gà, dì bảo: cháu thích rang hay luộc. Cháu bảo: cháu thích rang dì ạ. Dì bảo: ừ thì dì rang nhé, để lại một miếng to này, cho cháu nướng trên than củi. Dì đi làm đồng, thỉnh thoảng lại đưa về cho cháu vài quả dại gì đó, cháu chỉ nhớ mỗi quả thù lù, ăn vào ngọt lừ, ăn quả dại mà không sợ chết như bây giờ. Có hôm dì và dượng (trong quê mình gọi chồng dì như thế) dẫn bọn cháu đi bẻ ngô. Cánh đồng ngô đỏ rực, không có một tẹo màu xanh nào, lá khô, cây khô. Mấy đứa em họ leo lên cái xe bò, mặt đứa nào cũng đỏ ửng, tóc bết mồ hôi, sáng bừng…
Rồi cháu lớn hơn, rồi cháu đi đại học. Lúc dì xuống thì không có cháu, lúc cháu về thì không gặp dì. Mẹ chẳng có mấy lúc mà quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…
Đợt cháu sắp tốt nghiệp, gọi điện về, mẹ bảo: dì ốm nặng, đang ở nhà mình. Cháu chỉ hay nghĩ ông ốm nặng, bà ốm nặng, cháu không nghĩ đến việc dì ốm nặng, dì bao giờ cũng cười với cháu. Cháu không nghĩ đến việc dì không đi lại được, không kéo được gàu nước sâu cả mười mấy m ở giếng nước nhà bà lên, không nghĩ đến việc dì nằm đấy và chỉ giơ tay ra hiệu…
Rồi cháu cũng được gặp dì. Mừng hay là không mừng. Cả nhà chuyển dì ra Hà Nội. Tóc dì đổ dài, dường như bao nhiêu thuốc đi vào tóc hết. Dì vẫn nói, vẫn cười, dì bảo: dì đi lâu quá, không biết đến lúc nào thì được về nhà. Được vài hôm, mọi người lại chuyển dì sang một phòng riêng, chỉ có mình dì, không còn bệnh nhân khác. Cháu ở ký túc xá, phòng những 8 người, nghĩ “sự riêng tư có lúc đáng sợ như vậy sao?”. Có hôm cháu vào, dì cứ bảo dượng lôi hết cái này cái khác ra bảo cháu ăn, cháu có còn bé nữa đâu. Dì bảo dì vừa nằm mơ, thấy mình đang ở nhà, khát nước, múc một bát nước giếng, uống ngọt ơi là ngọt. Rồi dì bảo, dì thương mẹ cháu, thương bố cháu, thương thằng C ở nhà còn chưa thi ĐH, thương cháu ở ngoài này. Rồi dì khóc cháu khóc. Cháu chẳng nói được gì cho ra hồn, nước mắt vòng quanh đạp xe về trường…
Hôm sau, cháu lại vào. Cháu nghĩ, cháu sẽ bảo với dì: “mọi việc rồi sẽ ổn, dì sẽ được về nhà, C sẽ ra đây học, cháu sẽ ra trường, sẽ đi làm, sẽ chẳng có chuyện gì hết…”. Nhưng cháu vẫn là cháu, chẳng bao giờ nói được gì cho ra hồn, tường trắng, đệm trắng, không vương lại chút gì của dì ở đó. Đã không có một giọt nước mắt nào rơi ra lúc đó, từ phòng của dì, đến phòng y tá trực, ra phòng bảo vệ gọi điện, và đạp xe về trường…Cuối cùng, dì cũng được về nhà…
Sau này, mẹ bảo: trước lúc đi, dì gọi tên đủ người. Mẹ đã thầm xin dì, cầm cái trâm đó lại. Dì thì sẽ đi, mà cái trâm đó là của cháu, là mẹ giữ lại, nhỡ mà làm sao… Vậy mà, cháu và mẹ tìm mãi, không thấy cái trâm đâu. Có thể, lúc đó, bối rối, mẹ vẫn lại đặt nó cạnh dì chăng? Thỉnh thoảng, dì lại trở về, trong câu chuyện của mẹ, trong bữa cơm tất niên, trong cả lời dì út. Đôi khi cháu mơ thấy dì, chỉ cười không nói gì, không giống như ngày xưa, hai dì cháu mình cười nói ríu rít, luyên thuyên. Cháu hỏi mẹ: vậy có điềm gì không? Mẹ bảo: chắc tại dì thương cháu, cháu thương dì, nên cứ hay nhìn thấy dì vậy thôi…
Người ta bảo, đi những con đường dài, rồi sẽ dũng cảm hơn. Vậy mà những nỗi sợ ngày lại càng rõ ràng trong cháu. Cháu không thích bệnh viện, sợ cú điện thoại lúc nửa đêm, giật mình khi thấy bố ngủ mà sao không nghe tiếng ngáy, bần thần lúc gọi điện về nhà mà không có ai trả lời, mẹ ở nhà một mình mà lại đi đâu… Cháu chỉ sợ những gì thương yêu nhất của mình sẽ vụt biến, mà cháu thì vẫn không nói được câu gì cho ra hồn…
Tấm hình chụp một cô gái Trung Quốc, đóng phim cổ trang, xinh lắm dì ạ. Trong phim cổ trang thì con gái thường đính lên đầu bao nhiêu thứ, và cài một cái trâm. Cái trâm cô ấy cài dài lắm, lại có bao nhiêu cườm. Không giống như cái trâm của dì cháu mình, ngắn hơn một gang tay, màu nâu, bằng mã não. Ngày đấy, bố đi công tác về, mua cho cháu 1 cái vòng tay mã não bé xíu, vừa cổ tay cháu như in, và cái trâm này. Dì rất thích cái trâm, thế là cháu bảo: cháu cho dì đấy. Tóc cháu ngắn chớm vai, cháu buộc túm lại rồi găm cái đuôi gà ấy chổng ngược lên bằng cái trâm. Tóc dì thì dài, búi lại một búi to, rồi găm cái trâm vào, trông đúng là dì, không phải cháu…
Dì đi thanh niên xung phong về, lấy chồng muộn, lại không có con. Thỉnh thoảng dì lại xuống nhà cháu, thường là hè, rồi đưa cháu về quê luôn. Sau này cháu lớn, tự về quê được, thì dì lại ra đón ở đầu đường. Mỗi lần dì xuống, hai dì cháu lại nói cười luyên thuyên. Có lúc, mẹ quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…
Về quê, đầy cây cao và núi cao. Ở trên xe, mọi người cứ tưởng cháu là con dì. Ngày ở quê của cháu trong lành. Sáng ra thơ thẩn đi bộ từ nhà bà sang nhà dì, lúc nhìn thấy con sóc bé như con chuột trong bụi tre, có khi tìm ra chùm hoa dẻ vàng xuộm ở trên đầu. Làm thịt một con gà, dì bảo: cháu thích rang hay luộc. Cháu bảo: cháu thích rang dì ạ. Dì bảo: ừ thì dì rang nhé, để lại một miếng to này, cho cháu nướng trên than củi. Dì đi làm đồng, thỉnh thoảng lại đưa về cho cháu vài quả dại gì đó, cháu chỉ nhớ mỗi quả thù lù, ăn vào ngọt lừ, ăn quả dại mà không sợ chết như bây giờ. Có hôm dì và dượng (trong quê mình gọi chồng dì như thế) dẫn bọn cháu đi bẻ ngô. Cánh đồng ngô đỏ rực, không có một tẹo màu xanh nào, lá khô, cây khô. Mấy đứa em họ leo lên cái xe bò, mặt đứa nào cũng đỏ ửng, tóc bết mồ hôi, sáng bừng…
Rồi cháu lớn hơn, rồi cháu đi đại học. Lúc dì xuống thì không có cháu, lúc cháu về thì không gặp dì. Mẹ chẳng có mấy lúc mà quay ra mắng: mày đừng có mà đười ươi với nó. Mày là dì, nó là cháu…
Đợt cháu sắp tốt nghiệp, gọi điện về, mẹ bảo: dì ốm nặng, đang ở nhà mình. Cháu chỉ hay nghĩ ông ốm nặng, bà ốm nặng, cháu không nghĩ đến việc dì ốm nặng, dì bao giờ cũng cười với cháu. Cháu không nghĩ đến việc dì không đi lại được, không kéo được gàu nước sâu cả mười mấy m ở giếng nước nhà bà lên, không nghĩ đến việc dì nằm đấy và chỉ giơ tay ra hiệu…
Rồi cháu cũng được gặp dì. Mừng hay là không mừng. Cả nhà chuyển dì ra Hà Nội. Tóc dì đổ dài, dường như bao nhiêu thuốc đi vào tóc hết. Dì vẫn nói, vẫn cười, dì bảo: dì đi lâu quá, không biết đến lúc nào thì được về nhà. Được vài hôm, mọi người lại chuyển dì sang một phòng riêng, chỉ có mình dì, không còn bệnh nhân khác. Cháu ở ký túc xá, phòng những 8 người, nghĩ “sự riêng tư có lúc đáng sợ như vậy sao?”. Có hôm cháu vào, dì cứ bảo dượng lôi hết cái này cái khác ra bảo cháu ăn, cháu có còn bé nữa đâu. Dì bảo dì vừa nằm mơ, thấy mình đang ở nhà, khát nước, múc một bát nước giếng, uống ngọt ơi là ngọt. Rồi dì bảo, dì thương mẹ cháu, thương bố cháu, thương thằng C ở nhà còn chưa thi ĐH, thương cháu ở ngoài này. Rồi dì khóc cháu khóc. Cháu chẳng nói được gì cho ra hồn, nước mắt vòng quanh đạp xe về trường…
Hôm sau, cháu lại vào. Cháu nghĩ, cháu sẽ bảo với dì: “mọi việc rồi sẽ ổn, dì sẽ được về nhà, C sẽ ra đây học, cháu sẽ ra trường, sẽ đi làm, sẽ chẳng có chuyện gì hết…”. Nhưng cháu vẫn là cháu, chẳng bao giờ nói được gì cho ra hồn, tường trắng, đệm trắng, không vương lại chút gì của dì ở đó. Đã không có một giọt nước mắt nào rơi ra lúc đó, từ phòng của dì, đến phòng y tá trực, ra phòng bảo vệ gọi điện, và đạp xe về trường…Cuối cùng, dì cũng được về nhà…
Sau này, mẹ bảo: trước lúc đi, dì gọi tên đủ người. Mẹ đã thầm xin dì, cầm cái trâm đó lại. Dì thì sẽ đi, mà cái trâm đó là của cháu, là mẹ giữ lại, nhỡ mà làm sao… Vậy mà, cháu và mẹ tìm mãi, không thấy cái trâm đâu. Có thể, lúc đó, bối rối, mẹ vẫn lại đặt nó cạnh dì chăng? Thỉnh thoảng, dì lại trở về, trong câu chuyện của mẹ, trong bữa cơm tất niên, trong cả lời dì út. Đôi khi cháu mơ thấy dì, chỉ cười không nói gì, không giống như ngày xưa, hai dì cháu mình cười nói ríu rít, luyên thuyên. Cháu hỏi mẹ: vậy có điềm gì không? Mẹ bảo: chắc tại dì thương cháu, cháu thương dì, nên cứ hay nhìn thấy dì vậy thôi…
Người ta bảo, đi những con đường dài, rồi sẽ dũng cảm hơn. Vậy mà những nỗi sợ ngày lại càng rõ ràng trong cháu. Cháu không thích bệnh viện, sợ cú điện thoại lúc nửa đêm, giật mình khi thấy bố ngủ mà sao không nghe tiếng ngáy, bần thần lúc gọi điện về nhà mà không có ai trả lời, mẹ ở nhà một mình mà lại đi đâu… Cháu chỉ sợ những gì thương yêu nhất của mình sẽ vụt biến, mà cháu thì vẫn không nói được câu gì cho ra hồn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét