Những chuyện vớ vỉn nhân đọc Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa bao giờ kể
Tối, sau khi đã dỏng tai lên nghe vài chuyện, mình chui vào chăn ấm sực, cầm cuốn Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa bao giờ kể. Nghĩ đến lời chúc của S đêm 30, tự nhiên bật cười, cám ơn bạn lắm, mình cũng mong như vậy. Sáng ra, quyết định ở nhà, kéo rèm nhìn ra trời, thấy trời sáng hơn, tung chăn nhảy xuống đất, thấy ngày ấm hơn thì phải. Khi đi loanh quanh dọn dẹp trong nhà, một số chuyện vớ vỉn tự nhiên ngúc ngắc mỉm cườiJ.
Đá lạnh
Mình hầu như chẳng nhớ được gì về thời gian mình sống ở khu TT LC. Hồi đó, mình còn bé quá? Sau này, nhiều chuyện đều do mẹ và các cô chú trong khu kể lại. Nhưng chuyện này thì mình tự nhớ lấy. Hồi đó, đá lạnh hiếm lắm. Trong khu TT, chỉ có nhà bác K đi Liên Xô về là có tủ lạnh. Bác ấy lại không có con (lúc ấy), chứ sau này thì bác ấy đầy con (vì bác ấy có hơn 1 vợ mà), và bác ấy quý mình nhất khu TT (là mẹ bảo thế). Nhưng chắc là đúng, vì sau này, mỗi lần gặp lại mình, bác ấy đều rất vui, kể bao nhiêu chuyện. Mà những ảnh hồi mình bé tí treo trong nhà bây giờ đều do bác ấy chụp đấy thôi. Mẹ bảo bác ấy quý mình vì mình được tắm rửa rất sạch sẽ (hehe, vậy là nhờ mẹ vì mẹ tắm cho mình mà), chuyện này cũng có thể đúng vì hồi bé trông mình cũng chẳng xinh tẹo nào (nhìn ảnh thì biết), trông giống con trai, nên đó có thể là lý do chính đáng cho việc bác ấy quý mình. May mà bác ấy không giống mình nhỉ, vì mình bây giờ cứ thấy đứa nào nhem nhuốc là thích, như mấy đứa trẻ mặt đầy vết thuốc chàm xanh đỏ trên Sapa ấy, hay thằng bé ăn kem dính đầy kem trên miệng trong Vincom nữa. Hôm đấy, bác ấy cho mình 3 cục đá lạnh to cực, tức là xếp đầy cái ca nhôm (cái ca nhôm này mẹ vẫn giữ khi chuyển nhà lên khu TT QT, và 3 chị em vẫn dùng suốt, nhưng ở nhà bây giờ thì chẳng thấy đâu), rồi ai đó (có phải vợ bác ấy không nhỉ, là bác Nh ấy) rắc lên mặt viên đá trên cùng 1 ít đường. Chuyện chẳng có gì, và cũng chẳng do ai kể lại, nhưng mình cứ nhớ mãi một đứa bé gái còi còi, tay cầm cái ca nhôm đầy háo hức, ngồi ở hành lang khu TT, nhìn những hạt đường chờ cho nó tan hết. Làm sao mà nó tan nhanh được, và sao ai đó lại nghĩ đến việc rắc đường lên đá lạnh nhỉ?
Đánh nhau
Hồi nhà mình chuyển lên khu TT QT, đến Tết hoặc ngày lễ gì đó, các cô chú ở khu TT LC lại lên chơi, 3 chị em mình tất nhiên sẽ ra chào. Các cô chú ấy lên nhiều lần lắm, nhưng lần nào nhìn thấy mình cũng bảo: cái V đây rồi, hồi bé kinh lắm đây. Trời ơi, hồi bé mình kinh lắm sao? Thế này có kinh không? Ở trong khu TT, nhà thằng N là giàu nhất, bố nó mua cho nó rất nhiều thứ, nhưng chuyện đáng tự hào nhất là nó có 1 chiếc xe đạp 3 bánh, và chỉ mỗi mình nó có cái xe đạp mà thôi. Hôm đó, bọn trẻ con trong khu đứng vây quanh nó, nhao nhác: cho tao đi một tý, cho tao ngồi một tý thôi… Thằng N tất nhiên là không cho, theo lời nhận xét của mọi người (vì tôi không nhớ), nó vẫn hay như vậy, nó là thần giữ của. Tôi cũng ở trong cái đám lao nhao ấy, xin xỏ một đứa phụng phịu được ngồi lên xe đạp 3 bánh một chút. Nó bảo: không được. Tôi nhìn nó một lúc, bất thần xô vào người nó, đẩy bật nó ra khỏi xe, nó rơi phịch xuống đất. Còn V tôi thì leo tót lên xe, lúc thì chống chân xuống đất ẩy, lúc thì đạp vào 2 bàn đạp, chạy tít xuống cuối dãy TT. Thằng N khóc ầm lên. Tối đó, bà nó dắt nó sang nhà tôi, gặp bố mẹ tôi rồi nói gì đó. Cũng chẳng thấy bố mẹ bảo gì tôi. Nhưng 1 tháng sau, bố đi học ở NĐ, lúc về, bố vác trên vai một chiếc xe đạp 3 bánh bằng sắt, lốp cao su. Từ đó đến nay, tôi chưa thấy có cái xe đạp trẻ con nào giống cái xe đạp bố mua cho tôi hồi đó. Chiếc xe này được đưa lên khu TT QT khi gia đình tôi chuyển nhà. Cà 3 chị em tôi rồi đến 4 đứa con nhà 2 dì đều đạp nó. Không biết bây giờ nó ở đâu??? Sau này lên cấp 2, tôi học cùng lớp với thằng N. Nó học rất giỏi, tính tình rất khảng khái, lại làm lớp trưởng nữa, có thể ra lệnh cho cả lớp. Vậy mà sao hồi bé, nó lại keo kiệt thế, và lại để cho tôi tranh cướp thế không biếtJ.
Lên cấp 3, tôi còn học cùng trường với 1 anh tên C nữa. Anh này dạo đấy trông ổn, nghĩa là sáng sủa khôi ngô. Nhưng mọi người đều bảo hồi bé anh ấy béo nhất khu TT, cũng hiền nhất nữa. Hehe, sao một chàng trai khôi ngô lại có lúc trông như cối xay vậy không biết? Và có 1 đặc điểm nữa là anh ấy rất sợ tôi, cứ trông thấy tôi là anh ấy chạy mất, nấp vào 1 nơi nào đó. Đơn giản vì nếu tôi đứng cạnh, tôi sẽ véo anh ấy rất đau mà anh ấy thì chẳng bao giờ dám đánh lại tôi. Nói cho cùng, thì cũng chỉ vì anh ấy béo quá, nên chắc là véo anh ấy rất thích, mà anh ấy thì không đánh lại bao giờ, nên tội gì tôi chẳng véo, chứ tôi cũng có kinh khủng gì lắm đâuJ.
Tắm biển
Nhà ở khu TT QT. Hồi ấy ở trên đó cũng khá oách. Khu TT do Đức xây. Nhà có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp và khu vệ sinh. Thằng M còn chưa biết đi, chỉ biết nằm hoặc ngồi, thằng C hơn thằng M 4 tuổi, béo như cối xay, tôi bảo gì nghe nấy. Đương nhiên, tôi là chị cả, hơn nó những 2 tuổiJ. Hồi đó, bố mẹ rất sướng, không phải vất vả tìm ôsin như bây giờ, vì chỉ việc nhốt 3 đứa trong nhà, rồi đi làm, 3 đứa sẽ tự trông lấy nhau. Thực ra, việc trông em cũng chẳng khó khăn gì, làm thế nào cho nó đừng khóc là được. Bây giờ có thể trẻ con khó tính hơn chăng? Vì thấy ôsin vất vả lắmJ. Chẳng cần phải đợi đến khi nó khóc, mới nghĩ ra việc gì đó. Hôm trước, bố đưa 2 chị em đi xem phim ở rạp 12-9 (rạp này bây giờ vẫn còn, nhưng trông nó bé tý, chứ không trông giống nhà hát lớn hồi tôi còn bé). Tôi chẳng nhớ là phim gì, nhưng có cảnh tắm biển. Sáng hôm sau, bố mẹ đi làm, lại nhốt 3 đứa ở nhà, tôi sẽ chơi với thằng C và trông chừng thằng M, không để cho nó khóc là được. Hồi đó, các khu TT đều thiếu nước trầm trọng vào mùa hè. Trong nhà tôi có đến mấy cái phi chứa nước. 2 phi cao to chứa nước sạch đặt trong phòng tắm, và 1 cái phi con chứa nước không sạch đặt trong nhà vệ sinh. Mẹ thường đổ nước rửa rau và giặt đồ lần cuối vào đó để dùng cho nhà vệ sinh. Mẹ bảo, nước ít nên phải tiết kiệm nước như vậy. Bố mẹ đi được 1 lúc, thằng M thì nằm giữa nhà (cho mát), tôi bảo thằng C, chị em mình tắm biển đi. Thằng C ngay tức khắc nghe lời tôi (chứ không như bây giờJ). Phòng khách có 2 cửa (thực ra nó kiểm cả phòng ngủ). Tôi và thằng C gài cái cửa nách lại, lấy giẻ lau nhà chèn chặt ở chỗ hở ở chân cửa, vậy là kín được 1 lối. Cái cửa còn lại thì không cần chèn giẻ (hai chị em bảo thế), vì nó có 1 cái gờ sắt cao khoảng 5cm (là bây giờ tôi biết nó cao 5cm thôi, chứ hồi đó thì không giỏi như thế) nên có thể chắn nước. Nhưng thực ra, lúc đó cũng không tìm thấy được cái giẻ lau nhà nào nữa, đã nhét hết ở cái cửa kia rồiJ. Thằng M vẫn nằm giữa phòng khách, đã lật qua nằm sấp, đang đập tay xuống nền nhà. Nó bé thế, không thể làm gì được. Tôi dùng gáo múc nước từ trong cái phi con, đổ vào chậu, rồi cùng thằng C bê vào phòng khách, đổ ụp xuống sàn. Thực ra, tôi cũng không có ý định tiết kiệm nước cho mẹ đâu, nhưng 2 cái phi nước sạch thì cao quá, tôi không thể múc 1 cách dễ dàng được, chỉ có cái phi con là vừa tầm, nên múc nước từ đó là tiện nhất. Hai đứa hè nhau bê được mấy chậu đổ vào nhà rồi mà nước chỉ lấp xấp. Đương nhiên là thế rồi. Nhưng thằng M thì rất thích, nó đập nước bắn tung tóe. Tôi bảo thằng C, thế này thôi cũng được. Vậy là 2 chị em lăn ra nhà, rất sung sướng. Kể ra thì việc chuẩn bị bãi biển cũng vất vả, nên chỉ mới đến đoạn đó thôi thì mẹ mở khóa bước vào. Sau này mẹ bảo, lúc đấy sợ hết hồn, vì mặt thằng M tái ngắt vì lạnh. Nhưng tôi thì không chắc chắn lắm, vì tôi nhớ là nó cười cơ màL.
Tắm vòi công cộng
Nhà vẫn ở Khu TT QT, tức là thỉnh thoảng lại thiếu nước, nhất là mùa hè. Nhà tôi ở Đơn 1, tầng 4. Đơn 1 có 1 cái vòi nước công cộng, đứng trên ban công nhà tôi, thò cổ ra, là thấy hết mọi sự ở đó. Vòi nước công cộng của đơn bé tí, là 1 cái ụ đá, có cái vòi nước thò ra, xung quanh ụ đá, các cô chú trong khu kê mấy tấm bê tông để đặt xô lên đấy, từ vòi nước chạy ra cầu thang của Khu TT là một lối đi, được lót đá rất cẩn thận. Thường thì mua hè, xô chậu sẽ được xếp hàng trên lối đi ấy. Có hôm nước chảy yếu, hàng xô chậu dài đến chân cầu thang. Cạnh vòi nước một hai bước chân, là cái nắp cống, nắp cống rất to, bọn trẻ con thường đứng trên đó dội nước ào ào. Khi nghỉ hè, trẻ con trong khu chờ trời tắt bớt nắng là rủ nhau xuống sân bóng. Đứa đá bóng, đứa bắt cào cào, vài đứa khác rượt nhau, tất cả đều trên sân. Nhiều khi, đứng trên tầng nhìn xuống, bố mẹ không biết con mình đang rượt nhau hay đang đá bóngJ. Tầm khoảng 6h khi trời còn sáng, thì các bà mẹ, bà chị thò cổ qua ban công hướng xuống sân gọi bọn con trai/ em trai về tắm, về ăn cơm. Những lúc đó, thằng M nấn ná một lúc rồi chạy ù về, leo lên tận tầng 4, vác cái chậu nhôm và cầm cái quần đùi mẹ để sẵn từ trước rồi lao xuống vòi nước. Cũng có hôm, nó lười, nó đứng dưới đất, ngửa cổ gọi ầm lên, thế là tôi phải ném cái quần đùi xuống cho nóJ, nó cũng chẳng cần chậu. Thằng M hồi đó đã đen rồi, lúc nó học lớp 1 – 2, nó không béo tròn nữa, mà người đã dài ra, nó nhanh như sóc. Có hôm tôi đứng trên ban công nhìn xuống, theo dõi xem nó tắm sắp xong chưa để còn dọn cơm. Người nó đen nhẻm, bé con, nó bê cái chậu nhôm to đùng, mặc cái quần đùi màu đỏ. Đáng lẽ phải xếp hàng, thì nó lại ngửa cổ lên nói với anh MM (rất cao) đang đứng cạnh vòi nước: cho M một ít nước để M tắm được không? Anh ấy buồn cười quá, bảo: mày tránh ra, đặt chậu bên kia (là cái nắp cống) rồi anh đổ nước vào cho. Thế là nó không phải xếp hàng, mà vẫn được 1 chậu nước to để tắm. Một lúc sau, khi đã dội ào chỗ nước còn lại trong chậu lên người, nó lại khệ nệ vác cái chậu sang và ngửa cổ lên với 1 anh khác (lần này không phải anh MM nhưng cũng rất cao): cho M ít nước để M giặt cái quần đùi được không? Sau này, mẹ bảo, mẹ chán nhất là tôi, về việc đi xếp hàng lấy nước ấy. Vì tôi không như thằng M, bao giờ cũng phải chờ đến lượt mới có nước, đã thế nhiều lần còn bị người ta đẩy ra sau. Ngày mùa hè dưới sân của thằng M bao giờ cũng kết thúc bằng việc ôm cái chậu như vậyJ. Có một hôm, cả nhà đang ngồi chờ nó tắm xong về ăn cơm, thì thấy nó chạy ào vào, trần như nhộng, ôm cái chậu nhôm, trong chậu là cái quần đùi đã giặt, được vặn lại (vắt cho ráo nước ấy mà), nó gào tướng lên: đóng cửa nhanh, để con thay quần áo. Có lẽ quan niệm về việc thay quần áo của nó hồi đó là thế. Hóa ra nó quên lấy quần đùi, tắm xong, vẫn giặt quần cũ như thường, rồi chạy về nhà. Bố tôi buồn cười lắm, nhưng cũng đứng dậy, chốt lại cửa chính, và kéo cái cửa ngăn giữa phòng khách và phòng tắm, để nó lau người và mặc quần mới vào (tức là thay quần áo ấy). Chuyện đấy là hồi nó còn bé tý, tôi phải đính chính như vậy, không thì nó lại mắng tôiJ.
Gặp Bác Hồ
Thằng C nhà tôi ít hơn tôi 2 tuổi. Lúc dọn lên khu TT QT, tôi học mẫu giáo 5t, thì nó học lớp 3t. Hai chị em học cùng 1 trường, tôi học tầng 2 còn nó học tầng 1. Mẹ tôi bảo, bao giờ tan lớp, thì tôi phải chạy xuống dắt nó về nhà. Nhưng thỉnh thoảng, chưa tan lớp, tôi cũng chạy xuống lớp nó, kiễng chân qua cửa sổ rồi nhìn vào. Hồi bé, thằng C rất béo, mắt híp lại, và trắng tinh, và rất lười nữa. Tôi bảo nó lười, vì mấy lần tôi chạy xuống nhìn vào lớp nó thì thấy nó béo quay, đang ngồi trên 1 cái ghế ngay giữa lớp. Nó đặt hai tay lên đầu gối, mặc cái áo hoa xanh mẹ tôi mua cho, và chỉ nhìn thôi chứ không chơi. Quanh nó, thì bọn bạn hò reo, chạy toán loạn lên. Mỗi chiều, khi tôi dắt nó về nhà, mẹ tôi tắm rửa sạch sẽ cho hai chị em, rồi tôi lại dắt nó ra cầu thang chơi, chờ bố đi làm về. Ở khu TT QT, cả bọn trẻ con cùng tầng đều ra cầu thang chơi. Nhưng như tôi đã bảo, thằng C rất lười, nó chẳng chơi gì cả, mà nó cứ đứng ở cầu thang, mỗi lần có cô chú nào đi qua, nó lại vòng tay lại, và chào rất to: cháu chào cô/ chú ạ. Mọi người đều rất thích nó, ai cũng bảo: Nhật Hoàng à, ngoan quá. Gọi nó là Nhật Hoàng, vì nó béo quá, mắt lại híp. Khi tôi học lớp 1, chuyển sang trường tiểu học, thì nó học lớp 4t. Nó tự đi học, tự về nhà (trường mẫu giáo ở ngay gần nhà, đứng ở ban công nhà tôi, có thể nhìn được nó ngay khi nó đi ra khỏi cổng trường). Một hôm, nó về nhà, mặt rất hớn hở, cầm theo mấy cái kẹo. Nó bảo, hôm nay nó vừa được gặp bác Hồ, bác ấy vuốt má nó và cho nó mấy cái kẹo, giờ nó đang cầm cả đây. Trên tường nhà tôi hồi đó, mẹ tôi treo ba cái ảnh khá to sát cạnh nhau: ngoài cùng là Các-Mác, giữa là Lê-nin, rồi đến ảnh Bác Hồ. Lúc đấy, tôi nghĩ vậy là thằng C đã được gặp Bác Hồ rồi đấy (năm đó là 1982, nó 4 tuổi mà). Nhưng chỉ vài ngày sau thì tôi biết sự thật, còn thằng C thì tận năm lớp 2 nó mới biết việc này. Thực ra, hôm đó, cô hiệu trưởng trường mẫu giáo mời nghệ sỹ Tiến Hợi về trường, chú ấy đóng giả Bác Hồ, đi thăm và phát kẹo cho các cháu thiếu nhiJ.
Học vẽ
Thằng M 8t, học lớp 3. Nghỉ hè, bố xin cho nó vào lớp học vẽ của cung thiếu nhi TLM. Bố xin cho nó học vẽ, vì ở nhà nó rất hay vẽ. Nó vẽ khá nhiều tranh. Dạo đó, bố đã có thể mua cho 3 chị em nhiều thứ rất đẹp. Tôi có nhiều sách tiếng Anh, thằng C có bóng, súng…, thằng M thì có rất nhiều hộp bút màu đủ loại, màu sáp, màu dạ, màu nước. Những tranh thằng M vẽ dạo đó, lúc chuyển xuống nhà bây giờ thì bị thất lạc đâu mất, chứ mà giữ được thì cũng hay. Tuy nhiên, tranh của nó rất khó hiểu. Tiêu đề tranh thường là bố tôi, mẹ tôi, anh tôi, chị tôi, gia đình tôi… Nhưng tôi (cả bố mẹ tôi nữa) thường không nhận ra người quen ở trong đấy. Những người trong tranh nó (theo tôi nhớ) thì thường không được gọn gàng cho lắm, tóc tai bao giờ cũng bù xù, tay thì dài thõng thượt ra, mặt thì hoặc quá dài, hoặc quá trònJ. Nhưng nó thì thích học vẽ lắm, vẽ trên giấy bằng bút, hoặc ở cung thiếu nhi người ta còn cho nó vẽ ở trên sân gạch bằng gạch màu nữa. Hôm đó, tôi cùng mẹ đứng ở ban công nhìn xuống, vì đến giờ nó đi học vẽ về (ghi chú: cung thiếu nhi cũng gần nhà tôi nốt, đứng trên tầng là nhìn thấy nó ngay). Hôm đó, nó mặc cái áo sơ mi cộc tay trắng, quần xoọc, đội mũ lưới trai, nó đi rất nhanh, tay cầm một cái hộp màu hồng, rất nâng niu (cầm bằng cả hai tay). Lúc nó chạy xộc vào nhà, vẫn còn thở hổn hển, nó bảo: hôm nay, ở lớp học vẽ, thầy giáo thông báo con được giải B, cuộc thi vẽ thiếu nhi vì hòa bình (toàn quốc hẳn hoi), con được thưởng cái này, con nghĩ là cái bánh khảo. Nói chung, là nó rất vui. Mẹ tôi mở cái hộp màu hồng mà nó nghĩ là bánh khảo ra, trong đó thực ra không phải bánh khảo (mà đến giờ, tôi vẫn chưa nghe thấy ai được thưởng cái bánh khảo cả), mà là một cái đồng hồ để bàn rất xinhJ. Nó bảo: giấy khen vài ngày nữa cô mới phát mẹ ạ, cái tranh ấy con chỉ vẽ ở lớp thôi, rồi được gửi đi. Vài hôm sau, nó cầm tờ giấy khen về. Đáng tiếc, do một sơ suất nào đó, người ta lại in tên nó là Trần CM. Nhưng biết làm sao được, bố tôi vẫn treo tờ giấy khen ấy lên tường cho nó. Thỉnh thoảng, cũng có người rụt rè hỏi bố tôi: sao nhà anh, mỗi thằng M lại họ Trần, anh họ Nguyễn cơ màJ.
Về quê ngoại
Quê ngoại ở miền núi, có rất nhiều cây, nhiều hoa quả, nhiều nhất là mít. Đến mùa, cả người (là bọn tôi) và bò (ông bà tôi nuôi) đều được ăn mít thả phanh. Năm nào nghỉ hè, bọn tôi cũng được về quê ngoại, cách nhà tôi khoảng 80km, đi xe khách. Năm đó, thằng M còn học lớp 1 thì phải. Mẹ bảo, đợt 1 về quê sẽ gồm tôi và thằng M. Đợt đó, tôi đã được coi là người lớn, nên không cần ai đưa đi cả, tôi cảm thấy ý kiến này rất đúng. Nên bố chở 2 chị em ra bến xe, mua vé, đưa lên chỗ ngồi, dặn dò bác lái xe cho 2 chị em xuống ở bến xe PS, rồi bảo tôi: dì sẽ ra đón 2 đứa nhé. Hình như bọn trẻ con hồi đó đều như thế, tôi thấy bọn bạn tôi cũng vậy, chứ không như bây giờ, đến đi học cũng không được đi một mình. Chố ngồi của 2 chị em rất thoải mái, mặc dù ở cuối xe. Nhưng tôi bao giờ cũng bị say, thằng M thì không, nó chưa bao giờ say xe cả. Nên tôi phải nhắm mắt lại, cho đỡ say. Xe chạy một lúc thì có rất nhiều bà buôn chuyến lên. Các bà buôn chuyến thường giống nhau thì phải, đều rất to béo, nói rất nhiều, rất to và không bị say xe gì cả. Chỗ ngồi tự nhiên rất chật. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, tôi chỉ cần có 1 chố ngồi và nhắm tịt mắt lại. Nhưng thằng M thì không thế. Nó hồi đó còn bé lắm, không cao to như bây giờ, miệng nó rộng, loe ra, hơi cong, mắt thì to. Tóm lại, trông nó rất buồn cười. Tôi đang nhắm mắt lại, thì nghe tiếng nó nói, nói to đàng hoàng: Bác ơi, bác không được dựa người vào chị cháu. Chị cháu đang bị say xeJ. Nó kinh thật. Mấy bà buôn chuyến to béo cũng bảo: thằng này bé tý mà kinh thậtJ. Lên nhà bà ngoại tôi phải qua sông Lam. Đợt đó, chưa có cầu, chỉ có phà. Đến phà, tất cả mọi người đều phải xuống đi bộ. Bác lái xe bảo: không thì rơi tõm hết xuống sông à. Và không thì bác ấy sẽ bị phạt nữa. Thỉnh thoảng, có một vài người được ngồi lại trên xe, nhưng phải xin xỏ kinh lắm. Tôi về quê với dì nhiều lần rồi, nên tôi biết. Xe chạy mãi thì cũng đến phà, tôi mệt lắm, vì tôi say xe mà. Chán thật, nhưng sẽ phải xuống thôi. Mọi người xuống gần hết, chỉ còn chị em tôi và 2 – 3 người nữa. Lúc bác lái xe đi về phía bọn tôi, thì tôi đang bắt đầu đứng dậy để đi xuống. Thằng M đang đứng nhưng chẳng có vẻ gì là bắt đầu xuống cả. Tôi định giật tay nó, thì thấy nó nói to, lại nói to nhé: Bác lái xe ạ, chị cháu không xuống được đâu, chị cháu phải ngồi lại đây, vì chị cháu say xeJ.
Đi Hà Nội
Tôi học lớp 10. Lớp 10 hồi đó không được đĩnh đạc như lớp 10 bây giờ, trông vẫn ngớ ngẩn lắm. Nghỉ hè, nóng kinh khủng, và chưa phải đi học hè. Chiều đó, sau khi lang thang trong khu tập thể với cái P (cô bạn này không biết bao giờ tôi gặp lại nữa, đây có lẽ là người bạn thở thơ ấu hiền lành nhất của tôi), tôi ló cổ về nhà. Ở nhà, đồ đạc đang bị kéo tung ra, mẹ đang quét cái gì đó, bố thì đang sắp xếp đồ đạc. Bố hỏi: đi đâu về vậy con? Rồi tự nhiên, bố bảo: hay là đưa mấy đứa đi Hà Nội chơi nhỉ? Ý tưởng này thật bất ngờ, mẹ cũng đồng ý, nhưng vẫn không tưởng tượng được câu tiếp theo của bố: con đi gọi 2 thằng giặc kia về ngay, xếp đồ, tối 4 bố con mình đi Hà Nội. Thế là tối đó, 3 chị em tôi được bố cho đi Hà Nội. Đợt đó, tàu xe không như bây giờ. Đi ra ga, bố mua hai cái vé (cho bố và tôi - những người đã lớn và chắc cũng không trốn được vé), lên tàu bố trả tiền cho chú soát vé - thằng C và thằng M mỗi đứa chỉ mất ½ suất vé thôi. Nhưng tóm lại, cũng chỉ có 2 cái ghế. Bố trải một tấm ny lông ở dưới ghế, bố bảo bố sẽ ngồi lên đó, còn 3 chị em tôi thì ngồi ghế. Tôi hay say xe nhất, nên ngồi cạnh cửa sổ. Theo bố, ngồi đó sẽ thoáng, đỡ bị nôn hơn. Còn tôi thì nghĩ, chỗ đó gần cửa sổ, lúc nôn tôi sẽ thò đầu ra cho tiện. Thằng C đợt đó cũng hay say, nên ngồi cạnh tôi. Thằng M bé nhất, nhưng chẳng say bao giờ, ngồi ngoài cùng. Đi được một lúc, thằng C bị nôn, bắn hết cả vào người thằng M. Sau đấy thì mọi chuyện đều ổn, cả 3 chị em quay ra ngủ. Ra đến Hà Nội, bố thuê phòng ở Nhà Khách cho chúng tôi ở hẳn hoi, và dẫn đi khắp nơi. Tôi thì thấy mọi chuyện đều tốt đẹp, nhưng lúc về thấy thằng M kể với mẹ: lúc C say, nôn hết vào người con, con không bảo gì, nhưng lúc con ngủ quên, tựa đầu vào người C thì C ẩy con ra mẹ ạ. Thấy mẹ bảo: chắc là C ngủ say, nên không để ý thôi. Và hình như là mẹ thuyết phục được nóJ.
Đi Sài Gòn
Bố làm trong Sài Gòn. Đến đợt nghỉ hè, bố bảo mẹ gửi 3 đứa vào chơi. Đợt 1 sẽ gồm tôi và thằng M. Dĩ nhiên là bọn tôi rất thích, vì Sài Gòn rất xa, và cả 3 đứa đều muốn biết Sài Gòn như thế nào. Hơn nữa, được đi chơi là thích rồi.
Mà thôi, dự án cũ gọi đi chơi, đi chơi với người lớn tý. Lúc nào không “buồn cười”, thì lại chơi với “trẻ con”… “Trẻ con” còn khối chuyệnJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét