Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2008

Can you build a fire?

Tuần bắt đầu bằng 1 buổi sáng trong 1 phóng khám để kiểm tra sức khỏe, với nỗi lo mơ hồ chẳng hiểu mình có bị làm sao không nhỉ? Vì thường người ta vẫn hay phát hiện ra mình bị làm sao đó vào cái thời điểm mà đang nghĩ là mình chẳng làm sao cảJ. Nghe có vẻ lằng nhằng nhỉ? Nhưng may là thấy bác sỹ kết luận rằng mình chẳng bị làm sao cả. Và chắc vì chẳng mất tiền khám, nên không rơi vào cái tình trạng của mấy năm trước. Mình cùng chị H bỏ ra một mớ tiền đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và thử máu, khi nhận được kết quả rằng hai chị em là hai đứa bình thường về sức khỏe, thì hai đứa bình thường về sức khỏe đó đứng ngơ ngẩn trước cổng bệnh viện, tiếc rẻ mớ tiền của mình. Rằng mất bao nhiêu tiền mà chẳng ra bệnh gì. Nói tóm lại, là không bình thường về cái gì đấyJ.

Tuần tiếp tục bằng 1 buổi sáng ngồi ngơ ngẩn, nghĩ xem sẽ phải nói gì về cái sự ra đi của mình. Chẳng nghĩ được gì, rồi thấy không cần phải suy nghĩ thêm nữa, vì trong chuyện này, cuối cùng, bao giờ mình cũng nói thật. Mà sự thật thì đã ở đấy rồi, chỉ việc bê ra và trình bày thôi. Cái ngơ ngẩn của mình, xét cho cùng, không phải về việc sẽ nói gì, mà là việc tại sao mình lại cứ hay phải nói điều đó thế nhỉ.

Tuần tiếp diễn bằng một buổi đi nghe trò chuyện về Sự Hài Hước. Đi để tìm kiếm cái gì đó buồn cười. Nhưng rốt cuộc, điều buồn cười là chẳng có cái gì buồn cười ở đó cả.

Tuần kết thúc bằng bữa tiệc chia tay. Nhưng mình hình như đã không nghĩ đấy là bữa tiệc chia tay, chỉ nghĩ là một vụ tụ tập như bao lần tụ tập khác cùng mọi người nhưng đông đủ hơn, mình và mọi người như nhau. Chỉ đến khi kết thúc, dắt xe ra, nhìn lại, thấy mình cầm 1 gói quà, còn mọi người thì không, mới thấy mình không vui như đang cười. Thực ra, mình không giống mọi người, vì mọi người vừa chia tay mình, hoặc ngược lại…

Tuần rải rác bằng những câu chuyện không đâu, có thật là không đâu không?

Tuần lảng bảng trong đầu hình ảnh “đấy là màu sương lạnh, lập lờ trên mặt sông”.

Chỉ muốn có 1 cái gì đó kiểu như “con mắt cái miệng biết cười cho nên lời nói chao ôi dịu dàng” rơi vào đâu đó trong tuần, như một đốm lửa nhỏ, thắp sáng lên mọi thứ…



Thứ Ba, 25 tháng 3, 2008

Insert/ Break/ Ok:-(

Thôi thì tay cứ nắm lấy tay
Học chim cứ vừa bay vừa hót
Học dòng sông vừa trôi vừa dào dạt
Học bếp lửa hồng vừa cháy vừa reo…

Hồi ở đây, có lúc tôi vui và cười “man trá” như trên kia kìa. Nhưng hôm nay, tôi vừa đưa ra một quyết định. Giờ tôi ngồi đây, thấy mình như bị làm saoL, cảm giác giống khi bị tụt huyết áp ấyL. Nghĩ tới con đường xa ngái trước mắt, nghĩ về những gì đã qua. Thỉnh thoảng, tôi cũng hâm hâm dở dở như thế ấy chứ. Nhưng lần này không hẳn giống như những lần trước. Đôi khi, nghĩ mình bị ma ám thì phải, nhìn thấy bản dịch nào có “bêtông”, “cốt thép”, “đà giáo”, “ván khuôn” là như được truyền lửa vậy. Năm năm trời, cơ hội nào đến cũng đắn đắn đo đo, xăm xoi xem có dính líu gì tới mấy thứ khô khan bụi bặm đó không. Lần này thì thôi đấy. Rằng là thiết kế hay thi công thì chắc cũng xa thật là xa đây… Tự nhiên, thấy cần một nụ cười thương mến mà nhạo báng mình thế, bảo rằng: “Lại lắm chuyện rồi. Có gì cơ chứ”. Nhưng mà tôi giờ đang như thế này này, ai mà động đến thì chỉ có mà thiệt thân nhỉJ. Thôi, tôi quyết định rồi, tôi lại lăn vậy, trệch hẳn những gì thương mến của bao tháng năm qua. Lại thêm một lần xa. Cám ơn nơi đây vì một số điều. Và tạm biệt, từ căn phòng cũ rích 89 LH cho đến gian sảnh mới toanh nơi CG. Nhưng nói tạm biệt nghĩa là còn gặp lại nhỉ?J.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

Bạn giở chứng, mình dở hơi

Hôm nay, bạn T tự nhiên dở chứng gửi cho mình mấy cái email cách đây 5 năm. Kinh thật đấy, lại nhớ cảnh mình và bạn T đi xin việc, chở cả HN đi cùng. Đi đến mấy nơi, bạn T lên nộp hồ sơ, mình đứng canh HN, mọi người đi qua cứ sờ tai nó và khen “thằng này có cái tai to, thích thật”. HN sau này mà biết, mình cứ để thiên hạ thoải mái sờ tai nó chắc nó cũng giận lắmJ. Mình thì cứ phải giữ chặt lấy đồng chí, vì đồng chí ấy chỉ nhăm nhăm chạy lên mấy cái toà nhà hoành tráng mà mẹ đồng chí đang chui vào để nộp hồ sơ xin việc. Sau đấy, cả mình và bạn T đều xin được việc. Bạn ấy làm ngay HN, còn mình thì dở chứng chạy tít xuống BC. Đấy là trước đó còn đi xem bói đấy. Thầy bói bảo: “năm nay, mày phải kiêng sông nước”. Vậy mà mình chạy tít xuống biển, ở đấy đến 2 năm. Xét cho cùng, mình chỉ toàn đi hỏi ý kiến cho vui, rốt cuộc, lại làm điều trái ngượcL.

Lại nhắc đến chuyện mình đi. Trong cái thư bạn T gửi lại cho mình, có bảo là mình đi và bạn H ở nhà khócJ. Mà chẳng phải mỗi bạn T, cả em Đ và chị H cũng bảo mình thế, bảo mình đi rồi, có hôm gặp bạn H ở trên đường, bạn ấy cũng đại loại là như vậyJ (Bạn H nghe lại đừng ngượng nhé). Nhưng mà chẳng ai biết là mình và em L cũng khóc tu tuJ, và chẳng ai nhìn thấy. Đi xuống BC, sau này mỗi tuần về một lần. Thế mà trước hôm đi, mình chạy xe một mình quanh thành phố, rồi nước mắt cứ gọi là rơi và rơiJ, mà có ai bắt đi đâu, tự mình quyết định ấy chứ. Lúc em L trên đường ra sân bay cũng vậy, mình gọi cho em ấy, thì cũng nghe tiếng em ấy thút thítJ. Căn hộ 3 đứa bao nhiêu chuyện, giờ tự nhiên trơ khấc bạn H ở lại, bạn H buồn cũng phảiJ.

Khổ thân bạn H đâu chẳng biết, chứ sau đấy bạn ấy thay thế mình bằng một người khác, cùng tên, nhưng khác nhiều thứJ. Những tưởng bạn ấy là người cuối cùng bước ra khỏi căn hộ đó. Nhưng lại không phải vậy. Mình xuống BC, rồi chạy tuốt vào SG. Lúc ra đến HN, thì bạn ấy chuyển về nhà cái người cùng tên mình ấy. Mình lại là người cuối cùng bước ra khỏi căn hộ, sau đấy chừng mười mấy ngày, mang theo vài món đồ của bạn ấy về nhà mình. Giờ mình vẫn còn giữ vài thứ của bạn ấy, trả thì bạn ấy không lấy, giữ thì mình cũng chẳng cần, mà bỏ đi thì không nỡJ. Và tóm lại, là mình vẫn đang giữJ.

Dù sao thì 5 năm cũng đã qua, với bao nhiêu chuyện của riêng từng đứa như đúng ra phải thếJ. Chỉ là tại bạn T dở chứng gửi mấy cái email mà thôi. Xét cho cùng, mình và mấy đứa bạn mình rồi vẫn thế. Chứng nào tật này, chẳng sửa được. Ngày lọ mọ ra HN, ngày lọ mọ ra trường, rồi như bạn T ngày đó lọ mọ cho HN đi học. Giọng điệu trong thư chẳng khác gì cảJ. Giờ thì không phải bọn mình “nhớn” hết rồi, mà các đồng chí con cũng nhớn rồi. Bạn T rảnh rang ngồi lật lại thư cũ, chắc chẳng biết gửi cho ai, bạn H thì đang ôm con, bạn T thì nắm tay chồng, nên gửi cho mình cũng là hợp lýJ.

Một ngày rảnh rang. Đầu óc chẳng hiểu sao cũng nhẹ tênh. Ngồi một mình. Thấy thương nhớ nhiều thứJ. Dù sao thì cũng đã qua, và hôm nay lại trở thành hôm qua trong ngày maiJ. Biết rồi chứ?

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

tay cầm bầu rượu nắm nem

Dắt díu nhau lên xứ Lạng. Tưởng xa lắm, hóa ra quá gần. Đi vèo tý đã đến. Dọc đường có vài điều thú vị: hoa đào đỏ rực, hoa mận trắng cực nở đầy hai bên đường. Lúc đi, các anh/chị/em bảo trên đường về sẽ dừng lại một vài điểm để chụp ảnh. Nhưng (lại nhưng), có sự bất đồng của 2 anh (bí mật trong nội bộ đoàn nhé), thế là cả đoàn thẳng tiến về Hà Nội, không chụp ảnh nữa. Tiếc. Tuy nhiên, vẫn còn may, vì tụi mình đã tự tác nghiệp được mấy kiểu rồi. Ruộng nương vòng quanh trông cũng hay. Điều mình thấy lạ nhất là bạt ngàn cây na trụi lá, đen thui trên sườn núi. Trông hơi sợ, nhưng hy vọng mùa ra lá sẽ đến sớm. Lúc ấy, chắc sườn núi sẽ đẹp lắm nhờ màu xanh. Trên đường đi, chẳng hiểu bác tài có tâm sự gì mà cứ tua đi tua lại bài hát có cái câu: Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh, mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi… Sao mà phải hỏi hoài vậy chứ. Lá xa cành thì lá về đất, vậy làm sao xanh được nữa, chứ những gì không phải là Lá có đơn giản được thế đâu… Trước khi lên TP Lạng Sơn, bọn mình qua chùa Tiên và đền Mẫu, mình khấn đủ thứ cho những gì liên quan và những gì không liên quan. Hay thật. Hay nữa là nhìn thấy cô giáo cấp 3 (hiện đang sống ở Vinh) cũng đang đi băng băng vào đền Mẫu. Lên đến TP Lạng Sơn, rồi Cửa Khẩu, mình thấy chẳng có gì đặc biệt đến mức “cực kỳ” cả. Chợ thì nhốn nháo, chen lấn tứ bề, người dân tộc thì chẳng thấy đâu, đào và mận đẹp thế gặp ở trên đường chứ ở đây thì mất hút, giá cả thì vô biên. Tuy nhiên, cũng thích cái lành lạnh của núi rừng ở đây. Từ sáng đến chiều, mình ăn nào khoai quay (có cách gọi khác là “nướng”), vịt quay, lợn quay, cá trắm (không) quay nhưng giòn (mình thấy loại trắm này ăn giống thịt lợn thăn thì có). Nhưng cũng ngon. Kết thúc chuyến đi là sự tha lôi đầy thứ linh tinh lỉnh kỉnh về thủ đô . Thôi, nhân ngày 8/3, chúc cho những ngày mới xanh tươi. Cái ảnh nhí nhố trên là để đềcorết cái blog xanh xao của mình. Đợt này đang dỗi bê tông cốt thép, chuyển sang buôn bán rau sạch. Trông như thế kia là đang ngủ quên trong niềm đam mê mới. Đứng cạnh trông giống chồng đi bỏ mối hàng nhỉ. Nói vậy chứ, sự không liên quan nhìn là nhận ra ngayJ…Biển xe 29, nhưng ảnh chụp tại chợ Đông Kinh đấyJ.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

Mẹ là mẹ của con, bà là mẹ của mẹ

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…

Giờ về nhà, thế nào cũng ngủ với mẹ. Ngủ với mẹ thì bao giờ mẹ cũng dậy sớm hơn, rồi lục sục lạo xạo cái gì đấy. Tết này, con thấy mẹ còn dậy sớm hơn các năm khác, ra vào phòng nhiều lần hơn những đợt con về trước. Mỗi lần vào là bật đèn, mỗi lần ra lại tắt đèn. Bật đèn để tìm cái gì đấy, tắt đèn để con ngủ cho yên J. Con nằm trùm chăn kín mít, thò cổ ra nhe nhởn: “về đây, con được ngủ trong ánh đèn nhấp nháy”. Mẹ bảo: “già là rứa, rứa mà tụi bây cứ đòi bố mẹ ra ở cùng răng được. Nên tau cứ ở đây, không đi mô hết. Vài hôm nữa tau về ở cùng mẹ tau (tức là bà ngoại), kệ bố con bây”. Rồi lại lẩm bẩm: “Bà thì cũng không biết được mấy cục lịch nữa”. Thằng C đi qua, nghe thấy, thò cổ vào bảo: “Hôm nào, mình có con, lại giơ tay xung phong đòi ra bế cháu”. Con lại thụt đầu vào chăn ngủ tiếp. Là con bảo vậy, chứ mẹ bật điện cứ bật, con gái ngủ thì cứ ngủ chứ…

Đấy nhé, mẹ bảo: “già là rứa” nhé. Vậy mà có hôm, con chán ngán phố phường, với tay gọi điện về cho mẹ. Đầu dây bên kia giọng mẹ alô hồ hởi. Con hỏi mẹ: “mẹ làm gì đấy?” Mẹ bảo: “mẹ đang xem tivi, phim Thiên đường tình yêu của Hàn Quốc”. Con bảo: “trời, mẹ già rồi mà còn xem Thiên đường tình yêu. Kinh thật, con còn không xem”. Mẹ bảo: “ai bảo là già, bao giờ cũng phải nghĩ mình còn trẻ chứ”. Con bật cười, quên mất cái chán ngán phố phường của con…

Thực ra, con thấy, mẹ là hội tụ của sự mâu thuẫn. Ngày thằng C đòi vào Huế, tập bóng, cách đây đã lâu. Cả nhà ai cũng lo, vì nghĩ ở trong đó mình có ai quen đâu. Nhưng mẹ bảo: Thôi, để cho nó đi. Nó lớn rồi, không thể ở nhà mãi được. Vậy mà đến tận bây giờ, trong nhà có một “Ông” ngang ngửa tuổi mẹ, ba đứa con thì có tuổi trung bình cộng cũng suýt soát 30 vậy mà mẹ vấn thế. Vẫn ra khỏi nhà, thì nhắc đội mũ, về đến nhà thì “tắm đi con”… Để rồi những đứa “lớn rồi” đấy lại bảo: “Mẹ buồn cười nhỉ, con lớn rồi mà… “

Ừ thì đúng là mẹ trẻ thật, mà con thì không biết đã lớn chưa. Chứ có những việc đến bao nhiêu năm nay con không đủ “trẻ” và “lớn” để nhớ. Ví dụ như chuyện này, con chỉ nhớ là vào tháng mười, chẳng nhớ là ngày nào. Nhưng thể nào mẹ cũng gọi điện, bảo “hôm nay là ngày của..”. Đến lúc đấy thì con nhớ, “ah, hôm nay là ngày của người già phải không mẹ?”. Mẹ bảo: “đúng rồi, hôm nay là ngày của người già, con gọi điện về hỏi thăm bà cho bà vui”. Thế là con gọi điện, bà vui lắm, nhưng đến giờ con cũng chẳng biết, chính xác là chẳng nhớ (vì thực ra có lần mẹ đã bảo rồi) đấy là ngày dành cho người già Việt Nam hay thế giới nữa…

Nhưng trẻ gì thì trẻ, mẹ vẫn là người có tầm nhìn xa nhất nhà. Con nhớ năm trước mình sửa nhà, con gọi điện về hỏi mẹ: “việc xong chưa mẹ?” Đầu giây bên kia, giọng mẹ hồ hởi (lại hồ hởi): “Xong rồi. Nhất là cái gác trên nóc nhà, mát rượi, mẹ bảo bố rào quanh bằng lưới thép. Ổ điện thì treo trên cao, mẹ đi chợ, cho 6 đứa nó chơi ở trên đấy, thoải mái mà yên tâm.” Ừ, thì mẹ ở nhà, trẻ con vẫn đến chơi cùng mẹ, nhưng lấy đâu ra 6 đứa nhỉ. Con hỏi: “6 đứa nào?” Mẹ đáp, giọng tỉnh bơ: “Thì 6 đứa, 3 đứa bây mỗi đứa có 2 đứa con chứ răng.”. Con vừa buồn cười, vừa thấy thương mẹ…

Nghĩ đi nghĩ lại, con thấy cái gì con cũng thua mẹ. Mẹ nuôi con lớn, mẹ thương con, mẹ còn dạy con cách yêu thương mọi điều, lại dạy cho con biết cười sau khi khóc. Thế nên, đôi khi con lại với tay gọi về cho mẹ, là con ích kỷ đấy mẹ ơi, chẳng phải lúc nào cũng để hỏi thăm mẹ, mà chỉ là vô thức, chán ngán phố phường nên gọi về cho mẹ thôi…Nhưng có hôm con cũng nghĩ, bà già thế rồi, lúc nào mẹ buồn, làm sao mẹ gọi về cho bà được…Nên lần nào về, con cũng thích ngủ với mẹ, vì nhiều điều, nhưng thế nào mẹ cũng kể rất nhiều chuyện, những câu chuyện con nghe đi nghe lại cả mười mấy năm nay, chẳng để làm gì, chỉ là để làm người lắng nghe mẹ thôi…